Những dấu hiệu sắp sinh báo trước

 
Xuất hiện cơn gò tử cung: gọi là cơn gò Braxton Hicks ngày một nhiều hơn, cảm giác của mẹ sờ trên bụng gò cứng, nhưng hoàn toàn không đau. Cơn gò này sẽ giúp cho ngôi thai bình chỉnh tốt hơn. Chính cơn gò này giúp thai nhi trong tử cung của mẹ sẽ lọt xuống tiểu khung, để trình diện eo trên của khung chậu mẹ, để có một ngôi thai thuận đó là ngôi chỏm.
Thấy bề cao tử cung nhỏ lại, không tăng. Cảm giác đầu tiên của mẹ là thấy dễ thở hơn khi nằm, vì lúc trước bụng to, khó thở khi nằm, nên lúc nào cũng ở tư thế đứng hoặc nằm kê đầu thật cao như nửa nằm nửa ngồi. Dấu hiệu này do thai nhi lọt xuống tiểu khung của mẹ, để chuẩn bị cho việc chuyển dạ sinh. Dấu hiệu thai nhi lọt xuống tiểu khung của mẹ khi thường gặp nhất đối với mẹ mang thai lần đầu tiên (con so). Đối với các mẹ mang thai lần thứ 2 (con rạ) trở đi, dấu hiệu này có thể gặp hoặc không gặp do thai nhi lọt xuống tiểu khung chỉ xảy ra khi bước vào chuyển dạ sinh thật sự.
 
Đau lưng hoặc đau trằn bụng dưới: do nội tiết tố thai kỳ làm cho các khớp  ở vùng chậu dãn, các dây chằng mềm hơn để cho các đường kính khung chậu của mẹ rộng hơn, giúp cho thai nhi lọt xuống được dễ dàng. Dấu hiệu này khá rõ khi mẹ di chuyển nhiều thì đau trằn bụng và ngồi lâu thì đau lưng.
 
Dấu hiệu đi tiểu nhiều lần, đi cầu nhiều hơn ngày thường: Khi thai nhi đã lọt xuống khung chậu, cụ thể ngôi thai lọt xuống tiểu khung của mẹ sẽ kích thích vào bàng quang ở trước và tạo cho mẹ có cảm giác đi tiểu thường xuyên, kích thích vào trực tràng ở phía sau nên tạo cảm giác mẹ đi cầu.
 
Vùng kín của mẹ sưng nề: Do kích thích của ngôi thai lớn, do thay đổi nội tiết tố thai kỳ, thay đổi thần kinh làm cho các mạch máu nuôi dưỡng vùng tầng sinh môn, âm hộ và âm đạo dãn rộng, máu nuôi dưỡng đến nhiều hơn để cho đường kính ống âm đạo dãn nở tốt giúp cho thai nhi sổ ra dễ dàng khi vào chuyển dạ sinh.
 

Bài viết khác