Bệnh sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, do vi rút Dengue gây ra và muỗi vằn Aedes Aegypti là trung gian truyền bệnh. Muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm virus sau đó sang đốt người lành và mang bệnh. Bệnh này rất nguy hiểm, tốc độ lây lan nhanh và dễ bùng phát thành dịch. Trong khi đó, Trẻ em là đối tượng dễ bị sốt xuất huyết nhất bởi sức đề kháng của các con còn yếu. Nếu cha mẹ không phát hiện sớm các triệu chứng sẽ khiến bệnh trở nên nặng hơn.
Chăm sóc trẻ bị sốt xuất huyết đúng cách như sau:
Hạ sốt đúng cách cho trẻ
Khi trẻ sốt từ 38,5-39 độ C, bố mẹ hãy cho trẻ uống thuốc hạ sốt Paracetamol loại đơn chất, với liều 10-15 mg/kg cân nặng, 4-6 giờ một lần. Tuyệt đối không dùng các thuốc nhóm aspirin vì chúng có thể làm tăng nguy cơ chảy máu.
Người lớn cũng không được tự ý cho trẻ dùng thuốc kháng sinh vì chúng không có tác dụng gì với bệnh SXH mà chỉ làm trẻ mệt thêm. Trường hợp trẻ sốt cao, có thể áp dụng thêm phương pháp vật lý như lau nước ấm.
Khuyến khích trẻ uống thật nhiều nước
Khi sốt trẻ dễ bị mất nước, cùng với triệu chứng mệt mỏi, kém ăn làm cho trẻ dễ thiếu nước thêm, vì vậy bố mẹ nên chú ý cho trẻ uống thật nhiều nước. Lượng nước dùng đối với trẻ dưới 5 tuổi khoảng 500-1.500ml trong ngày, trẻ trên 5 tuổi khoảng 2.000 đến 2.500ml trong ngày.
Các loại nước mà trẻ có thể dùng được như nước cam, nước dừa, nước chanh, nước lọc. Nên thay đổi các loại nước khác nhau để trẻ không thấy chán. Không nên cho trẻ uống những loại nước có màu đỏ, nâu, đen hoặc có ga như nước xá xị, nước trái cây sậm màu, nước củ dền, dưa hấu.
Đảm bảo chế độ dinh dưỡng cho trẻ
Khi bị sốt kèm theo những triệu chứng khó chịu trên, trẻ thường sẽ quấy khóc và không chịu ăn. Lúc đó, bố mẹ hãy cho trẻ ăn thức ăn lỏng, giàu dinh dưỡng, dễ tiêu hóa như cháo dinh dưỡng, súp rau củ, sữa uống các loại… kết hợp chế độ nghỉ ngơi hợp lý giúp trẻ mau lành bệnh.
Bố mẹ cần tránh cho con ăn những thức ăn quá nhiều dầu mỡ trẻ sẽ thấy đầy bụng khó tiêu. Không ăn huyết heo, huyết vịt vì trẻ sẽ đi tiêu phân có màu đen, dễ lầm tưởng bị xuất huyết tiêu hoá.