Viêm gan B là một trong các bệnh tương đối thường gặp trong cộng đồng khi số lượng người mang virus không biểu hiện triệu chứng còn khá cao.
Thông thường, khi nhiễm virus viêm gan B từ dịch tiết và máu của người bệnh với một số lượng đủ để gây bệnh, một người lành lặn sẽ biểu hiện thành ba thể khác nhau: Thể viêm gan B cấp tính; Thể viêm gan B mạn tính và thể viêm gan B không hoạt động (thể ngủ).
Những người mắc bệnh mạn tính nói chung và viêm gan B, C nói riêng, có thể có nguy cơ cao gặp các triệu chứng nghiêm trọng do COVID-19.
Các chuyên gia khuyến cáo, người mắc bệnh viêm gan B nên trao đổi với bác sĩ điều trị bệnh gan của mình trước khi tiêm phòng.
Theo TS Vũ Minh Điền, Phó giám đốc Trung tâm Phòng, chống dịch và tư vấn tiêm chủng vaccine thuộc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, người nhiễm viêm gan B thể ngủ tức là không có hiện tượng hủy hoại tế bào gan hoặc tăng men gan.
Trường hợp này không thuộc nhóm chống chỉ định, vì vậy, vẫn có thể tiêm vaccine COVID-19. Sau khi tiêm vaccine, người tiêm cần nghỉ ngơi, theo dõi sát các phản ứng phụ sau tiêm và báo cho nhân viên y tế nếu cơ thể có phản ứng bất thường để được xử trí kịp thời.
Tiêm vaccine COVID-19 cho người dân
Tất cả những người bệnh mắc bệnh gan mạn tính đều phải được ưu tiên tiêm vaccine ngừa COVID-19. Nếu bệnh viêm gan B được kiểm soát tốt và điều trị ổn định, người dân vẫn được tiêm vaccine COVID-19 bình thường. Người được tiêm cũng không phải dừng thuốc kháng virus viêm gan B trước hay sau tiêm vaccine.
Sau ghép gan, nếu chức năng gan ổn định vẫn có chỉ định tiêm vaccine COVID-19, chỉ trì hoãn tiêm khi người bệnh đang trong giai đoạn thải ghép cấp.
PGS.TS.Trịnh Thị Ngọc - Phó Chủ tịch Hội gan mật Việt Nam - cho biết riêng đối với bệnh nhân đang bị viêm gan cấp, có biểu hiện mắt vàng, tăng men gan, suy gan, tiểu cầu giảm thì nên trì hoãn tiêm vaccine, đợi đến khi điều trị bệnh viêm gan cấp ổn định sẽ có chỉ định sau.