Theo Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương, ngày 21/5, khu vực Hà Nội nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 37-39 độ. Nhiệt độ ngoài trời có lúc hơn 40 độ.
Nắng nóng nên hầu hết các gia đình có điều hòa đều phải sử dụng hết công suất để hạ nhiệt, làm mát cơ thể.
Tuy nhiên, trao đổi với PV, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Khoa Nhi (BV Bạch Mai) cảnh báo, việc ra vào phòng điều hòa đột ngột khiến cơ thể khó thích nghi ngay được với sự thay đổi nhiệt độ, có thể gây choáng.
Sử dụng điều hòa sai cách có thể khiến trẻ nhập viện.
Trong trường hợp cơ thể đột ngột tiếp xúc với môi trường nhiệt độ xuống thấp như đang đi ngoài đường nắng nóng 37-38 độ C vào phòng điều hòa đột ngột chỉ có 17-18 độ C hay khi trời nóng rồi chuyển sang lạnh, sự chênh lệch nhiệt độ nhiều sẽ làm nhiệt độ cơ thể hạ đột ngột, mồ hôi không toát ra được, tổn hại đến trung khu thần kinh.
“Với sự thay đổi đột ngột này, nhẹ cơ thể có biểu hiện mệt mỏi, lờ đờ, đau đầu, chóng mặt. Nặng có thể làm nhịp tim và hơi thở lúc đầu nhanh, sau đó chậm dần, khó thở, thậm chí dẫn đến trạng thái hôn mê, tử vong. Đặc biệt nguy hiểm hơn với những người có sức đề kháng yếu, nhất là trẻ nhỏ, người cao tuổi…”, PGS.Dũng cảnh báo.
Do đó, nắng nóng 40 độ, cha mẹ cần cho trẻ hạn chế ra vào phòng có điều hòa liên tục để tránh hiện tượng thay đổi nhiệt độ đột ngột.
Khi đang ở ngoài nắng về, mồ hôi ra nhiều, tuyệt đối không vào phòng có nhiệt độ quá lạnh ngay. Mọi người nên lau khô mồ hôi, ngồi một lúc sau đó mới vào phòng có điều hòa.
Thói quen bật máy điều hòa ở nhiệt độ quá thấp những ngày nắng nóng để nhanh mát cần thay đổi ngay vì dễ khiến bạn bị cảm do chênh lệch nhiệt độ quá cao giữa bên trong và ngoài nhà. Đặc biệt, người già và trẻ nhỏ với sức đề kháng yếu rất dễ đau đầu, viêm họng, ngạt mũi...
Nên để ở mức từ 26 - 28°C để cơ thể không phải choáng váng khi thay đổi môi trường đột ngột. Ngoài giấc ngủ ban đêm bật điều hòa liên tục, trong ngày không nên để trẻ nhỏ nằm điều hòa hơn 4 giờ liên tục, thỉnh thoảng bạn cũng nên lau sàn nhà bằng giẻ ướt.
PGS.TS.Nguyễn Tiến Dũng cũng khuyến cáo để tránh nguy hại chết người, trước khi ra khỏi phòng 30 phút, nên tắt máy điều hòa, mở cửa phòng cho không khí được lưu thông và cơ thể thích nghi dần với nhiệt độ bên ngoài. Khi từ ngoài vào phòng điều hòa nên để điều hòa ở chế độ cao rồi hạ thấp nhiệt độ dần.
Ngoài ra, tuyệt đối không vào phòng điều hòa ngay khi tắm xong. Thói quen này cực kỳ nguy hiểm vì dễ gây nguy cơ cảm lạnh, viêm phổi. Nhất là với những người có bệnh tiềm tàng về mạch máu não rất có nguy cơ tai biến mạch máu não, có thể gây đột tử do các mạch máu bị cản trở sự lưu thông.
Trong những ngày nắng nóng, Bộ Y tế cũng khuyến cáo người dân không để nhiệt độ máy lạnh trong phòng quá thấp; Không để quạt thổi trực tiếp gần vào người, ở ngoài nắng nóng về không nên vào phòng điều hòa ngay (nhất là trẻ em), hãy lau khô mồ hôi, nghỉ một lát hãy vào.
Phòng máy lạnh có trẻ em chỉ nên đặt khoảng 26 -28 độ C (sẽ hơi nóng với người lớn, nhưng phù hợp với trẻ em). Ban đêm khi đi ngủ nên điều chỉnh lại nhiệt, tránh để trẻ nằm thẳng luồng gió bởi dễ mắc bệnh đường hô hấp. Luôn đắp chăn mỏng trên bụng, giữ ấm lỗ chân lông, tránh bị cảm lạnh, đau bụng... Trẻ nhỏ ngủ hay đạp chăn, nên để trẻ mặc quần áo cotton, chất thấm mồ hôi.
Thời điểm mát (sáng, đêm) nên dùng quạt thay thế sẽ tốt cho sức khỏe. Buổi sáng, tối nhiệt độ ngoài trời thấp, hãy cho trẻ ra ngoài hít thở không khí trong lành, tắm nắng để tăng sức đề kháng.