Tăng huyết áp ở trẻ em được xác định khi các chỉ số huyết áp vượt quá ngưỡng thông thường, dựa trên tuổi, giới tính và chiều cao. Hiện nay, tình trạng này đang gia tăng nhanh chóng, đặc biệt ở các quốc gia phát triển và những nơi có tỷ lệ béo phì cao. Theo các thống kê, tỷ lệ trẻ em bị tăng huyết áp dao động từ 1% đến 4%, tùy thuộc vào khu vực và phương pháp nghiên cứu. Tại Hoa Kỳ, ước tính khoảng 3,5% trẻ em mắc bệnh này nhưng con số thực tế có thể cao hơn do nhiều trường hợp không được phát hiện. Tại Việt Nam, mặc dù chưa có số liệu thống kê chính thức trên toàn quốc về tỷ lệ tăng huyết áp ở trẻ em, nhưng các chuyên gia y tế cảnh báo rằng tình trạng này đang gia tăng, đặc biệt ở những trẻ thừa cân và béo phì. Sự gia tăng tỷ lệ béo phì ở trẻ em Việt Nam trong 10 năm qua đã làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh như tăng huyết áp, đái tháo đường và tim mạch ở độ tuổi trẻ hơn.
Nếu không được phát hiện và kiểm soát, tăng huyết áp có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như tổn thương tim, thận, não và các mạch máu lớn.
Trẻ béo phì và là 'đệ tử' của thức ăn nhanh thường có nguy cơ bị tăng huyết áp.
Trẻ bị tăng huyết áp có phải do yếu tố di truyền không?
Tăng huyết áp ở trẻ em có thể chia thành hai nhóm chính: tăng huyết áp nguyên phát và tăng huyết áp thứ phát. Tăng huyết áp nguyên phát không có nguyên nhân cụ thể và thường gặp ở trẻ lớn hơn, đặc biệt khi trẻ bị béo phì hoặc có lối sống không lành mạnh. Ngược lại, tăng huyết áp thứ phát thường liên quan đến các bệnh lý nền, chẳng hạn như rối loạn nội tiết, hẹp động mạch thận, bệnh thận mạn tính hoặc một số bệnh tim bẩm sinh. Ngoài ra, các yếu tố như chế độ ăn uống giàu muối, ít vận động, căng thẳng tâm lý hoặc thậm chí tiếp xúc với môi trường ô nhiễm cũng làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh.
Yếu tố di truyền có vai trò đặc biệt quan trọng trong tăng huyết áp ở trẻ em. Các nghiên cứu chỉ ra rằng nếu một trong hai phụ huynh mắc tăng huyết áp, nguy cơ trẻ bị bệnh tăng lên khoảng 30-50%. Nếu cả cha mẹ đều mắc bệnh, nguy cơ này có thể lên tới 70%. Điều này cho thấy, các gia đình có tiền sử mắc bệnh cần đặc biệt chú trọng đến việc kiểm tra sức khỏe định kỳ và xây dựng lối sống lành mạnh để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh ở trẻ em.
Làm thế nào để cha mẹ phát hiện con mình bị tăng huyết áp?
Một thách thức lớn trong việc chẩn đoán tăng huyết áp ở trẻ em là bệnh thường không có triệu chứng rõ ràng, đặc biệt ở giai đoạn đầu, TS.BS. Phạm Như Hùng (Bệnh viện Tim Hà Nội) cho biết. Nhiều trẻ mắc bệnh không có bất kỳ dấu hiệu nào và chỉ được phát hiện qua các lần khám sức khỏe định kỳ. Tuy nhiên, ở một số trường hợp, trẻ có thể xuất hiện các triệu chứng như đau đầu, chóng mặt, mệt mỏi, giảm tập trung hoặc thậm chí chảy máu cam. Trong những trường hợp nặng, trẻ có thể có cảm giác khó thở, đau ngực hoặc sưng ở tay chân do suy giảm chức năng tim và thận.
Để phát hiện bệnh, việc đo huyết áp định kỳ là rất quan trọng. Các bác sĩ thường sử dụng biểu đồ huyết áp chuẩn để so sánh kết quả đo với mức huyết áp bình thường ở trẻ cùng độ tuổi và giới tính. Nếu kết quả huyết áp cao lặp lại trong nhiều lần đo, bác sĩ sẽ yêu cầu thực hiện thêm các xét nghiệm như xét nghiệm máu, kiểm tra chức năng thận, siêu âm tim hoặc chụp cắt lớp vi tính để tìm nguyên nhân và đánh giá mức độ ảnh hưởng của bệnh.
Bệnh tăng huyết áp ở trẻ em có chữa khỏi được không?
Việc chữa khỏi hoàn toàn tăng huyết áp ở trẻ em phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Trong trường hợp tăng huyết áp thứ phát do các bệnh lý nền, điều trị nguyên nhân gốc rễ thường giúp huyết áp trở về mức bình thường. Ví dụ, nếu tăng huyết áp do bệnh thận, việc điều trị hoặc phẫu thuật có thể giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, với tăng huyết áp nguyên phát, bệnh thường không thể chữa khỏi hoàn toàn. Thay vào đó, mục tiêu điều trị là kiểm soát huyết áp và ngăn ngừa biến chứng lâu dài.
Phương pháp điều trị bao gồm thay đổi lối sống, duy trì cân nặng hợp lý, giảm muối trong chế độ ăn, tăng cường hoạt động thể chất và trong một số trường hợp, sử dụng thuốc điều trị huyết áp. Các loại thuốc thường được sử dụng bao gồm thuốc lợi tiểu, thuốc ức chế men chuyển (ACE inhibitors) và thuốc chẹn beta. Quan trọng hơn, việc duy trì một lối sống lành mạnh không chỉ giúp kiểm soát bệnh mà còn cải thiện chất lượng cuộc sống của trẻ.
Lời khuyên của bác sĩ về việc phòng ngừa tăng huyết áp ở trẻ em
Trong việc phòng ngừa tăng huyết áp ở trẻ em, vai trò của bố mẹ là rất quan trọng. Cha mẹ cần xây dựng một chế độ ăn uống lành mạnh cho trẻ, ưu tiên các thực phẩm giàu dinh dưỡng như rau xanh, trái cây, thịt nạc và ngũ cốc nguyên hạt. Hạn chế các thực phẩm chứa nhiều muối, đường và chất béo bão hòa.
Ngoài ra, việc khuyến khích trẻ tham gia vào các hoạt động thể chất hàng ngày là rất cần thiết. Các hoạt động như chạy, bơi lội hoặc chơi thể thao không chỉ giúp tăng cường sức khỏe tim mạch mà còn cải thiện tâm trạng và giảm căng thẳng. Hạn chế thời gian sử dụng các thiết bị điện tử và khuyến khích trẻ tham gia vào các hoạt động ngoài trời sẽ góp phần tích cực vào việc phòng ngừa bệnh.
Đối với những trẻ có yếu tố nguy cơ cao như béo phì, tiền sử gia đình mắc bệnh tăng huyết áp hoặc các bệnh lý nền khác, cần đo huyết áp định kỳ để phát hiện sớm bất kỳ bất thường nào.
Nguồn: https://tienphong.vn/bac-si-chi-cach-phat-hien-som-dau-hieu-tang-huyet-ap-o-tre-nho-post1705987.tpo