Đại dịch mất ngủ lan khắp thế giới, nguyên nhân giật mình

Các nhà khoa học từ Đại học Copenhagen - Đan Mạch đã phân tích dữ liệu từ máy theo dõi giấc ngủ của 47.000 tình nguyện viên từ 68 quốc gia, đối chiếu với dữ liệu nhân khẩu học và 21 mô hình khí hậu, từ đó kết luận một làn sóng mất ngủ rõ ràng đang lan rộng.

Nguyên nhân dẫn đến "đại dịch mất ngủ" bí ẩn này không phải là thói quen sinh hoạt, việc sử dụng điện thoại, máy tính... như chúng ta thường nghĩ, mà đến từ một vấn đề phổ quát hơn: biến đổi khí hậu.

 

Đại dịch mất ngủ lan khắp thế giới, nguyên nhân giật mình - 1
 

 

Hàng tỉ phép đo giấc ngủ được phân tích trong nghiên cứu cho thấy biến đổi khí hậu đã góp vào trung bình 11 đêm mất ngủ mỗi năm cho người dân khắp thế giới. Nếu tình hình tồi tệ hơn, đến cuối thế kỷ 21, mỗi người sẽ bị "thất thoát" 58 giờ ngủ mỗi năm.

Theo Science Alert, biến đổi khí hậu đi kèm với hiện tượng nóng lên toàn cầu, mà một nhiệt độ tự nhiên lớn hơn 25 độ C sẽ bắt đầu tác động đến giấc ngủ. Vào những đêm rất ấm, trên 30 độ C, thời lượng ngủ sẽ giảm trung bình 14 phút; trong khi nhiệt độ lớn hơn 25 độ C làm tăng xác suất giấc ngủ không kéo dài nổi quá 7 giờ.

Số phút mất ngủ có vẻ không nhiều, nhưng về lâu dài, chúng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe và năng suất lao động, theo bài công bố vừa đăng tải trên One Earth.

Đó là chưa kể thời gian mất ngủ trung bình này không chia đều cho tất cả. Trong khi một số quốc gia có khí hậu mát mẻ vẫn chống chọi được với nóng lên toàn cầu, người dân vẫn có những đêm đủ thoải mái và giấc ngủ 8 giờ lý tưởng; một số quốc gia bị ảnh hưởng mạnh bởi các đợt nóng sẽ chịu thiệt hại nặng nề và rõ ràng hơn.

Với các vùng hay quốc gia có thu nhập thấp, người dân khó tiếp cận với các phương tiện làm mát, "đại dịch mất ngủ" chắc chắn nghiêm trọng hơn.

"Cơ thể chúng ta thích nghi cao để duy trì nhiệt độ ổn định, một điều mà mọi hoạt động sống phụ thuộc vào. Tuy nhiên, hàng đêm chúng ta vẫn làm một điều quan trọng mà không hề biết, đó là tỏa nhiệt ra môi trường xung quanh bằng cách làm giãn nở các mạch máu, từ đó tăng lưu lượng máu đến tay và chân" - tiến sĩ Kelton Minor, tác giả chính của nghiên cứu giải thích.

Nhiệt độ môi trường quá cao sẽ ảnh hưởng đến quá trình tỏa nhiệt này, nhất là vào những đêm cái nóng đi kèm với độ ẩm cao. Điều đó ngăn cản sự phục hồi của cơ thể ngay cả những giờ chúng ta ngủ được và làm cơ thể khó chịu, khó ngủ, ngủ không ngon.

Theo các tác giả, rất cần một nghiên cứu toàn cầu trong tương lai nhằm đánh giá có hệ thống tác động tiềm ẩn của hiểm họa khí hậu đối với sức khỏe con người, đặc biệt là với những thứ tưởng chừng không liên quan như giấc ngủ, đặc biệt là ở các nhóm dân cư dễ tổn thương.

Kết quả một lần nữa nhấn mạnh những tác động của biến đổi khí hậu, và sự cấp thiết của việc xóa sổ nhiên liệu hóa thạch, giảm phát thải khí nhà kính cùng các biện pháp bảo vệ, phục hồi môi sinh.

Bài viết khác