Liên quan đến đề nghị của TP HCM với Bộ Y tế xem xét rút ngắn khoảng cách 2 mũi tiêm vắc-xin AstraZeneca, chiều 13-9, đại diện Chương trình tiêm chủng mở rộng Quốc gia cho biết đã có thông tin cập nhật về tiêm chủng đối với vắc-xin AstraZeneca theo hướng rút ngắn thời gian giữa 2 mũi tiêm.
Theo đó, khoảng cách giữa 2 mũi tiêm AstraZeneca được khuyến cáo từ 8 - 12 tuần để tăng tỉ lệ đáp ứng miễn dịch, tuy nhiên trong một số trường hợp có thể thực hiện tiêm trả mũi 2 với khoảng cách ít nhất là 4 tuần.
Đại diện Chương trình tiêm chủng mở rộng Quốc gia cho biết đối với vắc-xin AstraZeneca, đã có thông tin cập nhật theo hướng rút ngắn thời gian giữa 2 mũi tiêm - Ảnh: Hoàng Triều
Mới đây, tại công văn khẩn số 255/SYT-NYV về việc tiếp tục triển khai tiêm chủng vắc-xin Covid-19 trên địa bàn thành phố, Sở Y tế Hà Nội cũng lưu ý, đối với vắc-xin-19 của AstraZeneca thực hiện tiêm mũi 1 và trả mũi 2 cho các đối tượng đã tiêm mũi 1 vắc-xin Covid-19 của AstraZeneca bảo đảm khoảng cách ít nhất 8 tuần. Trong một số trường hợp đặc biệt cần hoàn thành đủ 2 mũi vắc-xin sớm có thể thực hiện tiêm trả mũi 2 với khoảng cách ít nhất là 4 tuần.
Tại Việt Nam, đối với những nhóm nguy cơ, vùng dịch, trong một số trường hợp đặc biệt cần hoàn thành mũi 2 sớm, một số địa phương đã thực hiện tiêm vắc-xin mũi 2 vắc-xin AstraZeneca với khoảng cách ít nhất là 4 tuần.
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, khoảng cách lý tưởng giữa 2 mũi tiêm của các loại vắc-xin là khác nhau. Cụ thể, vắc-xin AstraZeneca, mũi 1 cách mũi 2 tối ưu từ 8-12 tuần. Vắc-xin Sputnik V, mũi 1 cách mũi 2 là 3 tuần. Vắc-xin Pfizer, mũi 1 cách mũi 2 là 3 tuần. Vắc-xin Sinopharm, mũi 1 cách mũi 2 từ 3-4 tuần. Vắc-xin Moderna, 2 mũi cách nhau 28 ngày.
Lãnh đạo Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết những khuyến cáo về mốc thời gian giữa 2 mũi tiêm mà các nhà sản xuất đưa ra là khoảng cách lý tưởng nhất, trong bối cảnh nguồn vắc-xin luôn sẵn và dồi dào.
Tuy nhiên, trong tình trạng thiếu vắc-xin trên toàn cầu như hiện nay, việc tiêm chậm hơn so với khuyến cáo về khoảng cách 2 mũi tiêm của nhà sản xuất, cũng không làm ảnh hưởng đến hiệu lực bảo vệ của mũi 2. Đặc biệt, người dân không cần phải tiêm lại từ đầu các mũi vắc-xin.
Trước đó, ngày 8-9, Hội đồng tư vấn chuyên môn về sử dụng vắc-xin của Bộ Y tế đã họp và đưa ra khuyến cáo trong trường hợp bất khả kháng khi nguồn cung vắc-xin Covid-19 mũi 1 đã tiêm không đủ để tiêm mũi 2 thì có thể sử dụng vắc xin khác để tiêm mũi 2. Theo đó, nếu tiêm mũi 1 vắc-xin do AstraZeneca sản xuất thì có thể tiêm mũi 2 bằng vắc-xin do Pfizer hoặc Moderna sản xuất. Nếu tiêm mũi 1 vắc-xin do Moderna sản xuất thì có thể tiêm mũi 2 bằng vắc-xin do Pfizer sản xuất và ngược lại.