Nghệ sĩ Giang Còi chiến đấu với căn bệnh ung thư hạ họng
Tháng 1/2021, cố nghệ sĩ Giang Còi bất ngờ phát hiện mình bị ung thư hạ họng giai đoạn 3. Đến giữa tháng 5/2021, cố nghệ sĩ bị ngất xỉu khi đang đi trên đường phải nhập viện Bạch Mai. Sau đó bệnh tình trở nặng khiến cố nghệ sĩ khó thở, không ngủ được.
Tuy nhiên, cố nghệ sĩ Giang Còi vẫn giữ tinh thần lạc quan, thường xuyên chia sẻ cảm xúc lên trang cá nhân. Từ ngày phát hiện bệnh, cố nghệ sĩ Giang Còi bị sụt cân nghiêm trọng.
Khi còn sinh thời, cố nghệ sĩ Giang Còi từng viết tâm thư gửi đến các đồng nghiệp và khán giả để tri ân, cảm ơn sự quan tâm, giúp đỡ của mọi người khi cố nghệ sĩ phải điều trị tại bệnh viện.
"Thật cảm động vì tình cảm của mọi người và xấu hổi với chính bản thân mình. Quá chủ quan, nghĩ rằng nó cho mình 2 năm để hoàn tất mọi việc, đâu phải thế. 2 năm đó là vật lộn với sự đau đớn khôn cùng của thể xác, cân nhắc quyết đoán, trả ơn, về tinh thần, giờ đây con người tôi căng hơn sợi dây đàn và thần chết luôn rình rập" – cố nghệ sĩ Giang Còi viết trong thư.
Ung thư hạ họng – "kẻ giết người" âm thầm
Ung thư hạ họng là ung thư xuất phát từ vùng hạ họng. Tuổi thường gặp mắc bệnh này từ 45 - 65 với tỷ lệ nam/nữ là 5/1.
Bệnh thường âm thầm tồn tại, có 4 giai đoạn. Giai đoạn 1 khối u nhỏ hơn 2cm, phát triển tại một vùng hạ họng, chưa xâm lấn ra xung quanh và chưa nổi hạch cổ.
Giai đoạn tiếp theo, khối u lớn hơn 2cm nhưng nhỏ hơn 4cm hoặc xâm lấn vị trí khác của hạ họng hoặc lan ra xung quanh nhưng chưa xâm lấn dây thanh âm, thanh quản chưa bị cố định. Bệnh nhân chưa nổi hạch cổ và chưa di căn tới cơ quan xa.
Giai đoạn 3, khối u lớn hơn giai đoạn 2 hoặc đã ảnh hưởng đến dây thanh âm hoặc đã xâm lấn tới thực quản. Bệnh nhân có thể nổi hạch với kích thước hạch nhỏ hơn 3cm ở 1 bên cổ.
Giai đoạn cuối thì khối u đã xâm lấn tới sụn, xương và phần mềm. Bệnh nhân có thể nổi hạch cổ hai bên, xuất hiện các di căn xa.
Cũng như nhiều loại ung thư, ung thư hạ họng đến nay vẫn chưa được chữa khỏi hoàn toàn. Các biện pháp điều trị chính có phẫu thuật, tia xạ, hóa chất và điều trị miễn dịch. Nếu được chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời có tiên lượng rất tốt.
Một số yếu tố nguy cơ liên quan đến ung thư hạ họng do hút thuốc lá, nghiện rượu, vệ sinh răng miệng kém, virus HPV, mắc hội chứng Plummer-Vinson, ô nhiễm môi trường…
Để phòng bệnh này, như các bệnh ung thư nói chung, mỗi người cần có chế độ ăn uống sinh hoạt điều độ, ăn nhiều rau củ quả, hạn chế ăn các thức ăn muối, lên men, đồ nướng cháy, đồ ăn nhiều dầu mỡ. Tập luyện thể dục thể thao đều đặn, vệ sinh mũi họng hàng ngày phòng tránh các bệnh tai mũi họng thông thường.