Cà phê và chu kỳ tự nhiên
Theo The Times of India, cơ thể chúng ta có đồng hồ sinh học 24 giờ và khi nào ngủ, khi nào thức dậy và khi nào có nhiều năng lượng nhất được quyết định một phần bởi bạn và một phần do đồng hồ sinh học của cơ thể quyết định.
Nếu cà phê ảnh hưởng tiêu cực đến giấc ngủ, tâm trạng hoặc sức khỏe tổng thể của bạn, bạn nên giảm lượng tiêu thụ hoặc tránh uống cà phê vào những thời điểm nhất định trong ngày. Ảnh: NHẬT LINH
Chu kỳ 24 giờ tự nhiên, còn được gọi là nhịp sinh học, ảnh hưởng đến chu kỳ ngủ-thức và sự tiết hormone. Nếu bạn uống cà phê vào buổi tối muộn hoặc gần giờ đi ngủ, bạn đang gây nguy hiểm cho nhịp sinh học của cơ thể khi để tách cà phê đó làm xáo trộn lịch trình giấc ngủ của bạn.
Cà phê mang đến năng lượng và khi năng lượng không được sử dụng sẽ dẫn đến cảm giác bồn chồn. Vì vậy, nếu bạn cảm thấy bồn chồn hoặc trằn trọc trên giường vào ban đêm, tách cà phê lúc 7 giờ tối có thể là lý do.
Mức độ cortisol
Cortisol, thường được gọi là 'hormone căng thẳng' của cơ thể chúng ta, đạt đỉnh điểm vào buổi sáng sớm. Cortisol xác định mức năng lượng cũng như mức độ căng thẳng của bạn trong suốt cả ngày và góp phần giúp bạn tỉnh táo. Vì vậy, uống cà phê vào thời điểm cortisol của bạn đang hoạt động giúp tỉnh táo không phải là một lựa chọn tốt. Thay vào đó, hãy thử điều chỉnh lượng tiêu thụ cà phê của bạn theo chu kỳ cortisol.
Cụ thể, mức cortisol của bạn cao nhất sau khi bạn thức dậy. Vì vậy, nếu bạn thức dậy lúc 8 giờ sáng, bạn có thể mong đợi năng lượng tự nhiên sẽ tiếp tục hoạt động cho đến 9 hoặc 9 giờ 30 sáng. Khi cortisol của bạn bắt đầu giảm xuống và bạn bắt đầu cảm thấy uể oải, hãy pha cho mình một tách cà phê để tăng mức năng lượng. Bằng cách này, bạn sẽ không can thiệp vào năng lượng tự nhiên của cơ thể mà chỉ bổ sung nó khi đến thời điểm thích hợp.
Tăng cường cà phê giữa trưa
Vào khoảng giữa trưa, từ 1 giờ chiều đến 3 giờ chiều, bạn có thể cảm thấy buồn ngủ sau bữa trưa. Ngay khi cảm giác cạn kiệt năng lượng ập đến, ý nghĩ đầu tiên trong đầu bạn là uống một tách cà phê để tăng sự tỉnh táo cho cơ thể.
Tuy nhiên, vấn đề là việc uống cà phê vào buổi trưa ở mỗi người là khác nhau. Mặc dù uống một lượng cà phê vừa phải trong giai đoạn này có thể giúp tăng thêm năng lượng, ngăn ngừa cảm giác mệt mỏi sau bữa trưa nặng nề, nhưng tốt hơn hết bạn chỉ nên uống một nửa cốc vì đồng hồ buổi chiều cũng gần với chu kỳ giấc ngủ của bạn. Một bình cà phê lớn lúc 3 giờ chiều có thể gây ra tình trạng thiếu ngủ lúc 10 giờ tối.
Vì vậy, điều quan trọng là bạn phải lắng nghe cơ thể mình và thực hiện một số bài kiểm tra trước khi xác định xem liệu cốc cà phê buổi chiều có phù hợp với mình hay không.
Trước tập luyện
Nhiều người thích uống một tách cà phê trước khi tập luyện hoặc hoạt động thể chất. Chất caffeine trong cà phê có thể tăng cường năng lượng và cải thiện sự tập trung cũng như hiệu suất. Bạn nên uống cà phê 30 đến 60 phút trước khi tập luyện để có đủ thời gian cho caffeine phát huy tác dụng.
Vậy uống cà phê vào thời điểm nào là thích hợp?
Thời điểm tốt nhất trong ngày để uống cà phê là sở thích cá nhân và có thể phụ thuộc vào các yếu tố như lịch ngủ của bạn, độ nhạy cảm với caffeine và thói quen hàng ngày. Điều quan trọng là phải lắng nghe tín hiệu của cơ thể và điều chỉnh lượng cà phê tiêu thụ cho phù hợp để đảm bảo nó không ảnh hưởng tiêu cực đến giấc ngủ hoặc sức khỏe tổng thể của bạn.
Nếu bạn đang làm ca đêm và ngủ vào khoảng 8 giờ sáng, hãy uống một tách cà phê lúc 9 giờ tối và làm việc. Nếu bạn là người tập gym và cần cà phê trước khi tập luyện, hãy uống một cốc trước đó khoảng một giờ để đảm bảo caffeine giải phóng toàn bộ năng lượng bạn cần.
Và nếu bạn có lối sống bình thường là thức dậy lúc 7 giờ sáng và tiếp tục công việc trong ngày của mình, hãy đợi một hoặc hai giờ sau khi thức dậy, khi nồng độ cortisol bắt đầu giảm, có thể giúp bạn hưởng lợi nhiều hơn từ tác dụng kích thích của cà phê.
Nguồn: https://plo.vn/thoi-diem-ly-tuong-nhat-de-uong-ca-phe-la-khi-nao-post764039.html