Theo BSCKII Huỳnh Tuấn Vũ, Khoa Y Dược Cổ truyền, Đại học Y Dược TP.HCM, cơ sở 3, thời tiết nắng nóng thường kèm theo sự mỏi mệt, huyết áp dễ tăng cao nếu người bệnh tiếp xúc đột ngột với không khí nóng sau khi ở phòng máy lạnh hoặc tắm bằng nước lạnh. Việc thoát mồ hôi nhiều cũng gây nên mất cân bằng điện giải, ảnh hưởng đến hoạt động của hệ tim mạch khiến tăng hoặc giảm huyết áp đột ngột, dễ dẫn đến nhồi máu cơ tim, trụy tim hoặc đột quỵ.
Những người có nguy cơ bệnh nặng hơn khi trời nắng nóng gay gắt nếu không biết cách phòng ngừa:
Người suy tim
Trong mùa hè, bệnh nhân suy tim đang dùng các thuốc trợ tim, lợi tiểu và các thuốc ức chế men chuyển nên uống nước nhiều hơn một chút vào mùa hè, uống nhiều lần trong ngày, không nên để cơ thể rơi vào tình trạng khát nước, tránh đi lại ngoài đường trong trời nắng to, ở trong môi trường có điều hoà nhiệt độ càng tốt.
(Ảnh minh họa).
Người tăng huyết áp
Tác hại của trời nắng nóng lên người bị cao huyết áp là rất dễ nhận thấy. Nhiệt độ nóng bức dễ làm nhịp tim tăng nhanh, do vậy huyết áp cũng tăng theo, đây là điều nguy hiểm đối với người có sẵn bệnh tăng huyết áp. Những bệnh nhân này nên được điều trị bằng thuốc đầy đủ, không nên ngừng thuốc điều trị đột ngột sẽ dễ làm phát sinh cơn tăng huyết áp gây tai biến nghiêm trọng. Nếu người bệnh có những dấu hiệu nhức đầu, chóng mặt phải nhanh chóng được đưa đến khám tại các cơ sở y tế, đề phòng những cơn tăng huyết áp kịch phát, không phát hiện kịp thời sẽ nguy hiểm đến tính mạng như tai biến mạch máu não.
Những bệnh nhân đang được điều trị thuốc hạ huyết áp bằng các thuốc lợi tiểu cũng lưu ý nguy cơ giảm thể tích tuần hoàn dẫn đến rối loạn nước và điện giải. Những bệnh nhân tăng huyết áp đang được điều trị bằng các thuốc giãn mạch nên tránh hoạt động thời gian dài ngoài trời lúc nóng bức, đề phòng hiện tượng giãn mạch quá mức, dẫn đến tụt huyết áp, nhịp tim nhanh. Một số thuốc hạ huyết áp như nifedipine, amlordipine có thể có những tác dụng phụ nặng hơn như nóng mặt nhiều hơn, nhịp tim nhanh hơn… làm người bệnh cảm thấy khó chịu, ngột ngạt, khó thở hơn.
Người bệnh động mạch vành
Để hoạt động được bình thường, cơ tim cần được cung cấp đầy đủ máu giàu oxy và hệ thống động mạch vành có nhiệm vụ cung cấp máu cho cơ tim. Khi các động mạch vành xuất hiện các mảng xơ vữa và bị vỡ ra sẽ gây tắc mạch đột ngột hay tạo thành các cục huyết khối gây tắc nghẽn. Động mạch vành bị tắc có thể dẫn đến đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim. Vùng cơ tim bị thiếu máu càng nhiều thì chức năng của tim càng giảm mạnh, dễ dẫn đến nguy cơ tử vong.
Những người mắc bệnh động mạch vành thường là có mảng xơ vữa trong lòng động mạch, nguy cơ giảm thể tích tuần hoàn đối với những bệnh nhân này trong mùa hè sẽ dễ làm cho động mạch vành thuyên tắc hơn, làm cho bệnh càng thêm nặng nề. Đây là tác hại của trời nắng nóng rõ nhất đối với người bị bệnh động mạch vành.
Do vậy, trong mùa nắng nóng, các bệnh nhân này cần phải uống thuốc và uống nước đầy đủ theo chỉ dẫn của bác sĩ sẽ giảm được nguy cơ đau thắt ngực và nhồi máu cơ tim.
Người bệnh đái tháo đường
Tác hại của trời nắng nóng đối với người bị đái tháo đường là rất nghiêm trọng. Lưu ý nhất trong mùa hè đối với những bệnh nhân này là chế độ dinh dưỡng. Tránh hiện tượng hạ đường huyết do ăn uống không đầy đủ trong khi vẫn dùng các thuốc điều trị đái tháo đường. Hạ đường huyết là một trong những yếu tố thuận lợi dẫn đến nhồi máu cơ tim ở bệnh nhân đái tháo đường có suy mạch vành.
Những bệnh nhân đái tháo đường có biến chứng thận mà chế độ dinh dưỡng không đầy đủ, uống ít nước sẽ làm cho tình trạng suy thận gia tăng hoặc tình trạng suy thận nặng hơn khi đang dùng kèm theo thuốc lợi tiểu và ức chế men chuyển. Đồng thời, người bệnh đái tháo đường là một trong những cơ địa dễ bị biến chứng huyết khối, tắc mạch nhiều hơn nếu cơ thể không được cung cấp đủ nước trong mùa nắng nóng.
Tóm lại, người mắc các bệnh mạn tính như tim mạch, đái tháo đường trong mùa hè nên tránh hoạt động nhiều dưới trời nắng, tránh khát nước nhưng không nên uống liền một lúc, nên ăn nhiều trái cây tươi như cam, quýt, chuối, nho để cung cấp đầy đủ các chất điện giải cho cơ thể. Các biểu hiện bất thường của bệnh nếu xuất hiện phải được đi khám tại các chuyên khoa tim mạch và chuyển hoá kịp thời, tránh để những hậu quả xấu xảy ra.
Cách phòng tránh chung các bệnh thường gặp vào mùa nóng
- Hạn chế đi ra ngoài đường, ngoài trời nóng khi không thật cần thiết. Nếu bắt buộc phải đi ra đường, ngoài trời nóng thì phải đội mũ, mặc quần áo, đeo kính, khẩu trang… chống nóng.
- Uống nhiều nước, đặc biệt là những người lao động ngoài trời, mất nước nhiều nên uống bổ sung nước chanh hoặc nước pha muối loãng, nước pha Oresol…, tuy nhiên, không nên uống nhiều nước đá hoặc nước quá lạnh dễ gây viêm họng.
- Không để nhiệt độ điều hòa trong phòng quá thấp; không để gió quạt thổi trực tiếp gần vào người.
- Thực hiện ăn chín, uống chín; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; tăng cường dinh dưỡng, ăn thêm hoa quả để đảm bảo đủ vitamin, tăng cường sức đề kháng của cơ thể.
- Tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối.
- Thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà, đồ chơi trẻ em, dụng cụ học tập… bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.
- Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân, chất thải của trẻ phải được thu gom, đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.
- Nếu xuất hiện những dấu hiệu như thủy đậu, tay chân miệng, tuyệt đối không được chích vỡ các mụn phồng gây bội nhiễm. Có thể sử dụng dung dịch sát trùng như xanh méthylène chấm vào các mụn nước. Tình hình bệnh không có tiến triển cần được đem đến bệnh viện để được điều trị kịp thời.
Nguồn: https://nongthonviet.com.vn/nhung-nguoi-co-nguy-co-benh-nang-hon-khi-troi-nang-nong-gay-gat-1560139.ngn