Nhiều loại cây trồng trong nhà để trang trí và có ý nghĩa phong thủy. Trong đó, cây lưỡi hổ được ưa chuộng nhờ dáng đẹp, cải thiện chất lượng không khí. Theo Healthline, dưới đây là các tác dụng của cây lưỡi hổ:
Lọc không khí trong nhà, ngay cả vào ban đêm
Tương tự như các loại cây mọng nước, cây lưỡi hổ giúp lọc không khí trong nhà. Đây là một trong số ít các cây có thể chuyển đổi CO2 thành oxy vào ban đêm. Đặc điểm này khiến lưỡi hổ trở thành loại cây lý tưởng để trang trí phòng ngủ vì tạo ra luồng không khí trong lành.
Cây lưỡi hổ có thể bày ở bất cứ đâu trong nhà mà vẫn sống tốt. Ảnh: AI
Loại bỏ các chất ô nhiễm độc hại
Cây lưỡi hổ được biết đến với khả năng loại bỏ các chất ô nhiễm không khí như CO2, benzen, formaldehyde, xylene, trichloroethylene, toluene. Nhờ đó, cây có thể hỗ trợ phòng ngừa các chứng dị ứng do không khí độc hại.
Tăng cường sức khỏe tinh thần
Quan điểm cây xanh đóng vai trò tích cực với tâm trí đã được khẳng định từ nghiên cứu năm 2018. Hoạt động làm vườn thậm chí còn được sử dụng trong điều trị sức khỏe tinh thần. Cây có thể được thêm vào nơi làm việc, trường học và cơ sở y tế như một cách ít tốn kém và ít rủi ro để cải thiện không khí ở những môi trường này.
Các loại cây trồng trong nhà có khả năng lọc không khí. Ảnh: Swansons
Dễ chăm sóc
Cây lưỡi hổ được trồng phổ biến trong các gia đình một phần do không cần chăm sóc nhiều. "Cây lưỡi hổ trồng trong chậu phổ biến ở mọi châu lục. Vì rất dễ chăm sóc nên chúng thường được trồng trên bệ cửa sổ, căn hộ và các tòa nhà công cộng khác", nhà thực vật học Halina Shamshur giải thích.
Cây lưỡi hổ có thể sống tốt cả bóng râm và ánh nắng trực tiếp, phát triển dù gió lùa, không khí khô và thiếu nước. Chúng cũng không cần thay chậu thường xuyên và hầu như không bao giờ nhiễm bệnh.
Chống dị ứng
Bằng cách giải phóng oxy và bổ sung độ ẩm cho không khí, cây lưỡi hổ có thể giảm tác động của các chất gây dị ứng trong không khí như bụi và gàu. Vì chất lượng không khí trong nhà kém có liên quan đến nhiều bất ổn sức khỏe như dị ứng và hen suyễn nên đây chắc chắn là một lợi ích.
Làm giảm các bệnh lý nhẹ
Nhà thực vật học Shamshur chia sẻ có rất nhiều lợi ích khác của cây lưỡi hổ chưa được khoa học chứng minh nhưng được các chuyên gia về thực vật chấp nhận rộng rãi. Ví dụ, cây lưỡi hổ được cho có khả năng chữa lành vết thương và vết bỏng, giảm viêm, hỗ trợ huyết áp bình thường, tăng cường hệ thống miễn dịch, loại bỏ ký sinh trùng, giảm đau đầu.
Tuy nhiên, chuyên gia Shamshur khuyên bạn nên cẩn thận khi sử dụng cây lưỡi hổ cho mục đích chữa bệnh bởi lá của chúng chứa chất độc saponin có thể gây kích ứng da và niêm mạc. Nếu nhai hoặc nuốt phải lượn lớn lá cây lưỡi hổ sống, có thể dẫn đến các triệu chứng như buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy, đau bụng, sưng miệng, lưỡi, khó thở.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/cay-luoi-ho-khong-can-cham-soc-giup-loc-khi-doc-khi-ban-ngu-2306174.html