Kiến ba khoang vào mùa, bác sĩ chỉ cách xử trí đúng

Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Minh Thu, Phó trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, gần đây, bệnh viện tiếp nhận nhiều trường hợp viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang. Các bệnh nhân thường đến khám với tình trạng bỏng rát, đỏ da, thậm chí có trường hợp loét, bội nhiễm do tự điều trị sai cách.

Cảnh giác với tổn thương nặng do kiến ba khoang

Nhiều người không biết bị kiến ba khoang tấn công lúc nào, chỉ phát hiện khi vùng da bị đỏ, rát vào sáng hôm sau. Một số người khác phát hiện kiến ba khoang trên da liền đập mạnh, chà xát khiến độc tố trong con kiến giải phóng nhiều hơn, gây tổn thương sâu và lan rộng.

Tổn thương do kiến ba khoang tấn công. 
 

Tổn thương do kiến ba khoang tấn công. 

Đặc biệt, khi kiến tấn công vào các vị trí nhạy cảm như mắt, nách, bộ phận sinh dục, bẹn, người bệnh dễ gặp khó chịu và tổn thương nghiêm trọng. Một số trường hợp bị độc tố dính vào mí mắt gây sưng, viêm kết mạc, có nguy cơ tổn thương giác mạc và mất thị lực tạm thời nếu dụi mắt. Vùng da mỏng ở nách, bẹn dễ bị tổn thương và lâu lành do cọ xát khi vận động.

Kiến ba khoang chứa độc tố pederin (C24H43O9N) – mạnh gấp 12-15 lần nọc rắn hổ mang. Dù độc tính cao, lượng tiếp xúc với da thường nhỏ nên chỉ gây bỏng da, dễ bị nhầm với bệnh zona. Tuy nhiên, nếu không xử trí đúng cách, vết thương có thể lan rộng và nhiễm trùng.

Cách xử trí và phòng tránh kiến ba khoang

Cách phòng tránh kiến ba khoang:

- Giữ vệ sinh phòng ở sạch sẽ, thoáng mát.

- Vào buổi tối, nên tắt đèn ánh sáng xanh, tím (đèn huỳnh quang, bóng tuýp), thay bằng đèn ánh sáng đỏ, vàng (đèn dây tóc).

- Trước khi đi ngủ, cần kiểm tra kỹ giường chiếu, chăn gối và giũ quần áo để tránh kiến bám vào.

Cách xử trí khi bị kiến ba khoang đốt:

Chuyên gia khuyến cáo, nếu tiếp xúc với kiến ba khoang, không nên đập chết hoặc chà xát. Thay vào đó nên:

- Rửa sạch vùng da tiếp xúc dưới vòi nước, dùng nước muối sinh lý hoặc xà phòng.

- Nếu xuất hiện dấu hiệu dị ứng, nên đến cơ sở y tế, không tự điều trị để tránh biến chứng.

Khi nào cần đi khám bác sĩ?

Theo Cục Y tế Dự phòng, kiến ba khoang (còn gọi là kiến kim, kiến lác) là loại côn trùng có mình thon dài, màu đen xen vàng cam. Chất độc pederin của kiến tiếp xúc với da gây bỏng rát, khó chịu. Nếu gãi hoặc chà xát, vết thương dễ nhiễm trùng, tổn thương sâu rộng hơn, có thể để lại sẹo hoặc nhiễm trùng toàn thân.

Người bị tổn thương do kiến ba khoang nên đi khám sớm nếu vết thương lan rộng, gây sốt, khó chịu để được điều trị và kê đơn thuốc phù hợp, tránh các biến chứng nghiêm trọng.

Nguồn: https://nguoiduatin.vn/kien-ba-khoang-vao-mua-bac-si-chi-cach-xu-tri-dung-204241311130006745.htm

Bài viết khác