Trẻ nhỏ tuy có đầy đủ các cơ quan như người lớn nhưng hoàn toàn không phải là một người lớn thu nhỏ. Các cơ quan trong cơ thể bé còn rất non nớt và dễ bị tổn thương do chưa thể hoạt động hoàn hảo như người lớn. Cấu trúc của một số cơ quan trong đó có da cũng chưa hoàn chỉnh.
Nếu da của cơ thể trưởng thành có độ đàn hồi cao nhờ hệ thống sợi collagen thì da của trẻ cũng có độ đàn hồi ấy. Tuy nhiên những sợi collagen này nhỏ hơn rất nhiều lần, chức năng chống chọi với mọi tổn hại cũng thấp hơn so với người lớn.
Theo TS Sơn, 50% thời gian tiếp xúc với ánh nắng mặt trời của mỗi cá nhân diễn ra trước tuổi trưởng thành. Trẻ tiếp xúc với ánh nắng mặt trời quá nhiều có thể gây hiện tượng cháy nắng, bao gồm xuất hiện mụn nước trên da, run và sốt...
Các nghiên cứu cũng cho thấy trẻ em càng bị cháy nắng nhiều càng có khả năng cao phát triển bệnh ung thư da sau này. Vì vậy, việc bảo vệ trẻ em khỏi tác hại của ánh nắng mặt trời là điều đặc biệt quan trọng.
Vẫn theo TS Sơn, khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, chúng ta thường chỉ lo về vấn đề cháy nắng. Tuy nhiên, với trẻ em, da trẻ có thể bị tổn thương mà chưa cần bị cháy nắng. Thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời theo thời gian sẽ dẫn đến ung thư da, xuất hiện nếp nhăn trước tuổi, đốm đồi mồi và làn da không tươi trẻ khi trẻ lớn lên.
Những trường hợp cần đưa trẻ đi viện
Nếu trẻ xuất hiện những dấu hiệu sau cần đưa đến bác sĩ da liễu:
- Phồng rộp ở vết cháy nắng
- Rất khó chịu
- Tình trạng đỏ da tiến triển nặng hơn
- Sưng phù (đặc biệt là ở mặt)
- Sốt
- Ớn lạnh
- Khóc rất nhiều hoặc quấy khóc
- Đau đầu (trẻ có thể sẽ khóc và đưa tay lên đầu)
“Các dấu hiệu trên có thể cho thấy trẻ đã bị các biến chứng của cháy nắng, do vậy, bạn nên đưa trẻ đi khám ngay lập tức. Cháy nắng nghiêm trọng có thể gây tổn thương da và có thể được điều trị như một tình trạng bỏng nặng. Trong những trường hợp rất nghiêm trọng, trẻ có thể sẽ phải nhập viện”, TS Sơn cho hay.
Ngoài ra, cháy nắng nghiêm trọng ở trẻ còn có thể liên quan đến mất nước và sốc nhiệt. Dấu hiệu có thể bao gồm:
- Rất mệt mỏi
- Choáng ngất hoặc giảm tỉnh táo
- Rất khát nước
- Giảm tiểu tiện
- Miệng rất khô hoặc không có nước mắt khi khóc