Chăm sóc người bệnh thủy đậu

Chăm sóc người bệnh bị thủy đậu
Vì là bệnh lây qua đường hô hấp và tiếp xúc trực tiếp với dịch nốt phỏng nên khi trẻ bị thủy đậu, việc đầu tiên là các bậc cha mẹ nên cách ly trẻ tại nhà cho tới khi khỏi hẳn. Bổ sung thêm vitamin C, nhỏ mũi 2 lần/ngày cho trẻ. Mặc quần áo vải mềm, thấm hút mồ hôi và đặc biệt chú ý tới việc đảm bảo vệ sinh da cho trẻ để tránh xảy ra biến chứng. Giữ bàn tay cho trẻ thật sạch. Khi cần tiếp xúc người bệnh thủy đậu thì phải đeo khẩu trang. Sau khi tiếp xúc phải rửa tay ngay bằng xà phòng. Đặc biệt những phụ nữ đang mang thai cần tuyệt đối tránh tiếp xúc với người bệnh.
Sử dụng các vật dụng sinh hoạt cá nhân riêng: khăn mặt, cốc, chén, bát, đũa.
Vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng dung dịch nước muối sinh lý 0,9%.
Thay quần áo và tắm rửa hàng ngày bằng nước ấm sạch.
Nên mặc quần áo rộng, nhẹ, mỏng.
Đối với trẻ em:
– Nên cắt móng tay cho trẻ, giữ móng tay trẻ sạch hoặc có thể dùng bao tay vải để bọc tay trẻ nhằm tránh biến chứng nhiễm trùng da thứ phát do trẻ gãi gây trầy xước các nốt phỏng nước.
– Ăn các thức ăn mềm, lỏng, dễ tiêu, uống nhiều nước, nhất là nước hoa quả.
– Dùng dung dịch xanh Milian (xanh Methylene) để chấm lên các nốt phỏng nước đã vỡ.
– Trường hợp sốt cao, có thể dùng các thuốc hạ sốt giảm đau thông thường nhưng phải theo hướng dẫn của thầy thuốc, có thể dùng kháng sinh trong trường hợp nốt rạ bị nhiễm trùng: nốt rạ có mủ, tấy đỏ vùng da xung quanh.
Nếu bệnh nhân cảm thấy: Khó chịu, lừ đừ, mệt mỏi, co giật, hôn mê hoặc có xuất huyết trên nốt rạ nên đưa đến ngay các cơ sở y tế để được theo dõi và điều trị.

Bài viết khác