Nhiều bênh ngoài da bộc phát- các dấu hiệu

Có mặt tại Bệnh viện Da liễu TP.HCM thời điểm này, chúng tôi thấy có rất nhiều bệnh nhân đến điều trị bệnh chàm. Chàm khô là căn bệnh nhiều người thường mắc phải bất kể ở độ tuổi nào. Vùng lòng bàn tay bàn chân và các đầu ngón tay ngón chân của người bị chàm khô thường có biểu hiện bong da, nứt nẻ, thô ráp. Nếu không biết kiêng cữ, thường tiếp xúc nhiều với nước, xà bông bệnh chàm khô sẽ kéo dài. Về mùa lạnh, bệnh tái phát nhanh do có môi trường thích hợp. Khô vảy cá cũng là “người bạn đồng hành” với chàm khô về mùa đông, khí trời thay đổi. Do có hình dáng như vảy cá ở những chỗ da bong tróc ở đầu gối, cẳng chân nên gọi là bệnh khô vảy cá. Tuy hai bệnh này không ngứa nhưng gây căng tức và khó chịu cho bệnh nhân. Bệnh chàm làm cho con người sinh hoạt khó khăn với các công việc thường xuyên tiếp xúc với nước như giặt giũ hay tắm rửa. Nhiều người về mùa hè không có triệu chứng gì nhưng khi trời lạnh bệnh chàm mới tái phát. Có bệnh nhân mùa nắng nóng bị nhẹ nhưng về mùa đông lại trở bệnh nặng và qua mùa đông lại thuyên giảm bớt. Đối với trẻ em dưới 2 tuổi, bệnh chàm sữa có thể xuất hiện khi thời tiết lạnh, không đủ ấm cho bé. Lúc đó hai má ửng đỏ có mụn nước rất dễ vỡ. Nếu bệnh nặng da nổi chàm có mủ gây ngứa ngáy cho trẻ. Đây là những căn bệnh viêm da cơ địa phần lớn đều do ảnh hưởng của thời tiết và điều kiện sống. 

Trời trở lạnh, nhiều người có triệu chứng mụn đỏ, nốt sần nổi khắp mặt và người gây ngứa ngáy. Đây là bệnh nổi mề đay mà nhiều người ở vùng phía Bắc hay bị do khí hậu bất thường. Khi đi xe máy không trùm kín mặt chỉ sau một quãng đường là da mặt ửng đỏ, gây ngứa nhẹ. Theo BS Tường, đây là căn bệnh về da dễ gây nguy hiểm vì làm cho thanh quản phù nề, khí quản bị chèn ép có thể dẫn đến tử vong sau đó. Mề đay là phản ứng gây phù tại chỗ ở phía ngoài da. Nếu bệnh kéo dài trong vài tuần là mề đay cấp tính và sau đó chuyển sang mạn tính nếu bệnh triền miên trong 6 tuần.  

Không khí lạnh và hanh khô chính là thủ phạm làm cho môi khô, nứt nẻ. Nhiều người có thói quen liếm môi cho dễ chịu nhưng càng liếm nước bọt càng làm cho môi nứt và khô trầm trọng hơn.

Kiên trì trong điều trị

Muốn đề phòng được các căn bệnh về da trong mùa lạnh, yếu tố đầu tiên là phải giữ ấm cho cơ thể. Mặc thêm quần áo lúc ở nhà, ra đường phải trùm khăn ấm nhất là lúc chạy xe, đi đường xa để tránh mề đay, dị ứng da. Hạn chế ra đường khi có mưa to gió lớn hoặc nửa đêm trời lạnh. Đối với trẻ em càng cần giữ ấm hơn vì sức đề kháng yếu để tránh các bệnh chàm sữa. Nếu thời tiết lạnh và hanh khô có thể dùng thêm các loại kem dưỡng da nhất là khi bị khô môi hay da mặt nứt nẻ.

BS.CK1 Nguyễn Kim Khoa - Trưởng khoa Phục hồi chức năng (Bệnh viện Da liễu TP.HCM) khuyên, cần có chế độ sinh hoạt làm việc khoa học, trong môi trường sạch sẽ, tránh tiếp xúc nhiều với các loại hóa chất ăn mòn da như xà phòng, xút ăn da... Đa phần người bị dị ứng da là chị em phụ nữ, người nội trợ. Các hóa chất ở xà phòng làm giảm tiết chất nhờn ở da tay khiến da bị tổn thương nặng. Tuy nhiên, các bệnh về da không phải “xuất đầu lộ diện” ngay tức khắc mà có khi “giấu mặt” vài ba năm sau mới khởi phát. Cách tốt nhất là thường xuyên đeo găng tay khi giặt giũ, rửa ráy, vệ sinh sạch sẽ sau mỗi lần tiếp xúc với các loại hóa chất có trong nước rửa chén, nước lau nhà... Mặc quần áo chật, vải kém chất lượng hay ít giặt giũ, tắm rửa cũng gây ra bệnh ngoài da do nhiễm trùng. Ngoài ra cần có chế độ ăn uống hợp lý đủ dinh dưỡng, nhiều khoáng chất và vitamin. Mùa đông, nhiều người có thói quen tắm nước nóng. Tuy điều hòa được nhiệt độ trong cơ thể nhưng lại làm cho da dễ bị nhăn bị khô. Vì thế không nên lạm dụng tắm rửa nước nóng thường xuyên mà chỉ dùng nước vừa đủ ấm nếu thấy cần.

Bài viết khác