Thông thường, các vết bầm tím xuất hiện trên da do bị va đập sẽ tự khỏi trong khoảng 14 ngày. Tuy nhiên, nếu viết bầm tím không rõ nguyên nhân mà hiện diện trong thời gian dài, thay đổi kích thước hoặc hình dáng khác thì tốt nhất cần đi khám. Vì đó có thể là dấu hiệu của một tình trạng hay bệnh lý khác.
Ảnh minh họa
Dấu hiệu cần đề phòng khi xuất hiện vết bầm tím:
Rối loạn chảy máu
Một trong những nguyên nhân phổ biến của vết bầm tím là rối loạn chảy máu. Đây là một nhóm các tình trạng xảy ra khi máu của một người không đông lại hoặc đông rất chậm. Rối loạn chảy máu như bệnh máu khó đông là một trong số nguyên nhân phổ biến nhất gây ra vết bầm tím. Những bệnh như vậy thường do không có protein cần thiết cho quá trình đông máu.
Thiếu vitamin C hoặc vitamin K
Thiếu vitamin C có thể dẫn đến các tình trạng sức khỏe như bệnh Scorbut. Điều này sẽ gây chảy máu nướu răng, vết thương không rõ nguyên nhân và dễ bị bầm tím. Ngoài ra, vitamin K, một chất dinh dưỡng quan trọng giúp hình thành cục máu đông và cầm máu, rất quan trọng để ngăn ngừa bất kỳ trường hợp bầm tím nào.
Do dùng thuốc
Việc sử dụng một số loại thuốc tác động đến máu có thể là nguyên nhân gây ra các vết bầm tím như thuốc chống trầm cảm, giảm đau, thuốc chứa sắt, thuốc chống hen suyễn. Đặc biệt, một trong những loại thuốc thường gây ra tình trạng này là aspirin.
Do đó, khi đang uống một loại thuốc mà xuất hiện vết bầm tím trên da, bạn nên đi khám bác sĩ để được điều chỉnh kịp thời, tránh xuất huyết bên trong.
Bệnh về máu
Các nghiên cứu cho thấy bệnh về máu (suy giảm tiểu cầu, rối loạn đông máu di truyền,…) có thể gây ra vết bầm tím trên da. Đối với trường hợp này, đi kèm với các vết bầm tím và triệu chứng sưng chân, đau chân, chảy máu chân răng, lộ rõ mao mạch trên cơ thể hoặc chảy máu cam. Nếu nhận thấy các dấu hiệu trên cần đi khám sớm để can thiệp kịp thời.
Mất cân bằng nội tiết tố
Một trong những nguyên nhân phổ biến gây ra các vết bầm tím là mất cân bằng nội tiết tố. Nữ giới vào giai đoạn mãn kinh thường bị thiếu hụt estrogen. Đây là nguyên nhân khiến các mạch máu bị suy yếu, tổn thương và xuất huyết. Đồng thời, khi càng lớn tuổi, hệ thống mao mạch sẽ yếu dần, mất dần tính đàn hồi. Trong trường hợp này, các vết bầm tím thường xuất hiện ở chân.
Bệnh tiểu đường
Các vết bầm tím cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh tiểu đường, nguyên nhân là bệnh tiểu đường tác động tiêu cực đến tuần hoàn máu. Ngoài các vết bầm tím, người bệnh cũng sẽ gặp một số triệu chứng khác như khát nước, mệt mỏi, thị lực giảm,… Khi thấy vết bầm tím cùng với các dấu hiệu trên, bạn hãy đi khám bác sĩ để được điều trị kịp thời.
Ung thư
Bệnh bạch cầu là một dạng ung thư máu và tủy xương, ảnh hưởng đến lưu lượng máu và tủy xương trong cơ thể. Các chuyên gia cho biết, ung thư loại này khiến cơ thể dễ bị chảy máu nướu răng và da dễ bị bầm tím dưới da.
4 cách làm giảm vết bầm tím nhanh và hiệu quả
Ảnh minh họa
Chườm lạnh
Ngay sau khi bị bầm, mọi người có thể hạn chế máu chảy vào các mô mềm bằng cách chườm ngay nước đá hay thứ gì đó lạnh, giữ nó khoảng 10 phút. Thông thường, vết bầm sẽ khỏi sau khoảng hai tuần. Nếu muốn hồi phục nhanh hơn thì có thể áp dụng những cách sau:
Chườm nước ấm
Các chuyên gia khuyến cáo bắt đầu chườm nước ấm vào khoảng 5-6 giờ sau khi bị bầm. Hiệu quả tốt nhất nếu chường 3 lần mỗi ngày, mỗi lần khoảng 20 phút.
Cách chườm: Hãy đặt một miếng gạc hoặc miếng vải có nhúng nước ấm lên vết bầm. Nhiệt sẽ làm máu lưu thông tốt hơn, giúp tan máu tụ ở vết thương.
Thoa nha đam
Nha đam có khả năng chống viêm, giúp vết thương mau lành. Phần thịt của cây nha đam có chất nhờn giống như dạng gel, khi thoa lên vết thương có thể giúp giảm sưng viêm và vết bầm nhanh tan. Có thể thoa nha đam lên vết bầm vài lần mỗi ngày.
Bổ sung vitamin C
Vitamin C không những là chất thiết yếu cho cơ thể mà còn có khả năng chống viêm. Ăn nhiều trái cây để bổ sung vitamin C có thể giúp nhanh chóng cải thiện vết bầm.
Nguồn: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/xuat-hien-vet-bam-tim-tren-da-rat-co-the-ban-dang-mac-benh-nay-day-la-dau-hieu-can-duoc-kham-som-172230214130908882.htm