Trẻ bị tiêu chảy nhiễm khuẩn có biểu hiện như thế nào và cách chăm sóc đúng

Khi trẻ mắc tiêu chảy nhiễm khuẩn nếu không can thiệp hiệu quả, sẽ để lại nhiều mối nguy hại cho trẻ.

Trẻ bị tiêu chảy nhiễm khuẩn có biểu hiện như thế nào?

Tiêu chảy nhiễm khuẩn là tình trạng đi ngoài phân lỏng, phân nhớt ≥ 3 lần trong vòng 24 giờ, do tác nhân của vi khuẩn khiến đường tiêu hóa của trẻ bị rối loạn hoạt động.

Triệu chứng có thể gặp khi trẻ tiêu chảy nhiễm khuẩn còn tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh:

- Nếu trẻ tiêu chảy do tả

Biểu hiện trẻ sẽ mắc tiêu chảy liên tục, đi ngoài rất nhiều lần với khối lượng lớn. Phân toàn là nước, màu trắng nhờ, đục như nước vo gạo, không có nhầy máu. Kèm theo nôn mửa, không sốt, không đau quặn bụng, không mót rặn.

- Nếu trẻ tiêu chảy do lỵ

Biểu hiện trẻ sẽ sốt cao kèm gai rét, tiêu chảy nhiều lần, trong phân lẫn nhầy máu, trẻ mót rặn, bụng đau quặn từng cơn.

- Nếu trẻ tiêu chảy do độc tố tụ cầu

Trẻ sẽ có biểu hiện buồn nôn và nôn, không sốt, tiêu chảy nhiều lần, phân lỏng nước.

- Nếu trẻ tiêu chảy do E. Coli

Trẻ đi ngoài phân lỏng nhưng không kèm theo máu và nhầy, bệnh có khả năng tự khỏi.

- Nếu trẻ tiêu chảy do Salmonella

Trẻ sẽ có biểu hiện tiêu chảy, nôn, sốt cao, đau bụng.

Trên thực tế trẻ bị tiêu chảy nhiễm khuẩn là một bệnh phổ biến, nếu chủ quan có thể dẫn tới các biến chứng nguy hiểm như: Rối loạn tiêu hóa kéo dài, mất nước và mất điện giải, nghiêm trọng có thể dẫn tới tử vong. Ngoài ra, có thể khiến trẻ bị suy dinh dưỡng, nhiễm trùng huyết nếu không xử trí đúng.

 

Trẻ bị tiêu chảy nhiễm khuẩn có biểu hiện như thế nào và cách chăm sóc đúng - 1

Khi trẻ mắc tiêu chảy nhiễm khuẩn, nếu không can thiệp hiệu quả sẽ để lại nhiều mối nguy hại cho trẻ. Ảnh minh hoạ.

Cha mẹ cần làm gì khi trẻ mắc tiêu chảy nhiễm khuẩn?

Khi thấy trẻ có biểu hiện tiêu chảy, cha mẹ cần đưa trẻ tới cơ sở y tế để được thăm khám. Không tự mua thuốc điều trị hay điều trị theo mách bảo, điều này khiến cho bệnh không khỏi mà còn diễn biến xấu hơn.

Bên cạnh việc dùng thuốc đúng theo chỉ định của bác sĩ, cha mẹ cần có những lưu ý sau để trẻ lành bệnh nhanh hơn và giảm việc tái lại tiêu chảy.

- Về chế độ ăn

Tiêu chảy dẫn đến cơ thể sẽ mất đi một lượng lớn nước và các chất điện giải cần thiết. Do đó, khi bị tiêu chảy, điều quan trọng nhất là phải bù nước cho cơ thể bằng cách uống nhiều nước đun sôi để nguội, bù nước và điện giải bằng Oresol là phương pháp tối ưu và hiệu quả nhất. Lưu ý cần pha theo hướng dẫn sử dụng của bác sĩ và hướng dẫn in trên bao bì của nhà sản xuất.

Cần cho trẻ ăn đảm bảo có đầy đủ dinh dưỡng từ 4 nhóm thực phẩm: Bột đường, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Các loại thực phẩm nên dùng là gạo, bột gạo, khoai tây, cà rốt... Với nhóm thực phẩm bổ sung đạm, người bệnh tiêu chảy nên chọn thịt gà, thịt lợn nạc, dầu thực vật. Ngoài ra, nên ăn các loại trái cây như chuối, hồng xiêm, ổi chín, táo…

Chú ý chế biến thức ăn dễ tiêu để giúp giảm co bóp dạ dày, hấp thu được hiệu quả các chất dinh dưỡng trong thức ăn. Một số loại thực phẩm mềm dễ tiêu, khuyến khích được sử dụng bao gồm: Khoai tây, thịt gà, thịt lợn nạc, sữa chua, sữa đậu nành, chuối tiêu… và nên chế biến thành các món mềm, lỏng, dễ tiêu hóa như cháo, súp, các món ninh, hầm nhừ…

 

Trẻ bị tiêu chảy nhiễm khuẩn có biểu hiện như thế nào và cách chăm sóc đúng - 2
 

Cần cho trẻ ăn đảm bảo có đầy đủ dinh dưỡng từ 4 nhóm thực phẩm. Ảnh minh hoạ.

- Cách vệ sinh cho trẻ

Sử dụng nguồn nước sạch cho vệ sinh và ăn uống. Cần rửa tay sạch bằng xà phòng trước khi chế biến thức ăn, khi cho trẻ ăn và khi chăm sóc trẻ. Trước và sau khi thay tã lót cho trẻ.

Trước và sau khi trẻ đi vệ sinh (trẻ lớn). Sau khi trẻ tiếp xúc với bất kỳ đối tượng nào nghi ngờ đang nhiễm bệnh. Sau khi trẻ ho, hắt hơi hoặc sổ mũi, làm dính các chất dịch tiết trên đôi bàn tay... thì cần phải vệ sinh sạch sẽ.

Hạn chế người đến thăm, nếu có người đến thăm phải rửa tay trước khi bế trẻ. Trẻ phải được rửa tay chân thường xuyên, hạn chế tối đa cho trẻ gặm tay, gặm chân, cho đồ chơi vào miệng.

Cần vệ sinh dụng cụ cho trẻ ăn

Bình sữa, đồ cho trẻ ăn dặm phải được vệ sinh sạch sẽ sau mỗi bữa ăn, nên được đun sôi hoặc khử trùng hơi nước sau mỗi lần cho ăn, tránh để vi khuẩn bám trên những dụng cụ này. Con sẽ an toàn tuyệt đối khi mẹ tiệt trùng bình sữa cẩn thận. Hạn chế cho trẻ ngậm ti giả, nếu trẻ ngậm ti giả cũng phải được vệ sinh hàng ngày.

Khi thay bỉm cần vệ sinh nhẹ nhàng, làm sạch vùng hậu môn của trẻ, thấm khô bằng khăn bông, bôi thuốc chống hăm nếu cần. Bỉm bẩn sau khi thay phải được buộc gọn gàng trong túi nilon và cho vào thùng rác. Không được để bỉm bẩn trong phòng của trẻ, thùng rác phải được để xa phòng của trẻ

Nếu trẻ đi vệ sinh bằng bô hoặc bồn cầu, thì bô và bồn cầu phải được vệ sinh bằng xà phòng hàng ngày.

Chăn, ga của trẻ phải được thay giặt ngay khi bị dính bẩn, phơi nơi thoáng gió và có nắng. Hàng tuần chăn ga của trẻ phải được thay giặt để đảm bảo vệ sinh, hạn chế tối đa vi khuẩn bám trên chăn ga, phòng của trẻ phải được dọn gọn gàng hàng ngày.

Tóm lại: Chế độ ăn và cách vệ sinh cho trẻ khi mắc tiêu chảy nhiễm khuẩn rất quan trọng, góp phần làm quá trình lành bệnh nhanh hơn. Tuy nhiên, rất cần sự kiên trì và tỉ mỉ trong quá trình chăm sóc trẻ của cha mẹ.

Nguồn: https://suckhoedoisong.vn/tre-bi-tieu-chay-nhiem-khuan-co-bieu-hien-nhu-the-nao-va-cach-cham-soc-dung-169230426112003779.htm

Bài viết khác