Công việc mệt mỏi cả ngày dài, chỉ có ban đêm mới có chút thời gian dành cho bản thân, có lẽ đây là thực trạng chung của không ít người trẻ. Tuy nhiên, thói quen ăn uống vào đêm khuya là nguyên nhân gây ra không ít bệnh, thậm chí có thể dẫn tới ung thư.
Ngày 2/1 vừa qua, một cô gái tên Tiểu Lý 22 tuổi ở Thâm Quyến, Trung Quốc lọt vào danh sách nóng trên mạng internet nước này. Được biết, cô gái này bị ung thư gan, nghiêm trọng tới mức phải cắt bỏ nửa lá gan. Nguyên nhân gây bệnh được xác định là do thức đêm và ăn thịt nướng trong thời gian dài.
Cô gái này kể lại rằng, vào năm 2019, trong một lần đi khám sức khỏe cô nằm trong trường hợp “người lành mang virus viêm gan B”. Người lành mang virus viêm gan B là những người đã bị nhiễm virus nên không thể tiêm vắc-xin. Do virus đang ở trạng thái bất hoạt nên chưa cần điều trị bằng thuốc kháng sinh.
Lúc đó, cô không hiểu bản thân đang có nguy cơ tiềm ẩn mắc bệnh viêm gan B. Thời gian sau, vì bận rộn công việc nên cô mặc kệ tình trạng này.
Ảnh minh họa.
Cuộc sống của cô vẫn diễn ra như thường lệ, đi ngủ lúc 2-3 giờ sáng, có khi tới 4-5 giờ sáng. Mỗi ngày đều mua đồ ăn bên ngoài, thường xuyên ăn đồ nướng và đồ ăn vặt đêm khuya.
Cho đến thời gian gần đây, cô phát hiện mình có một cục u ở bụng ngày càng to dần, đến lúc to gần bằng nắm tay mới chịu đến bệnh viện kiểm tra. Sau hàng loạt các cuộc kiểm tra sức khỏe, cuối cùng cô được bác sĩ chẩn đoán ung thư gan nguyên phát.
Sau khi nghe bác sĩ giải thích, cô biết mình đã bị viêm gan mãn tính, nguy cơ ung thư gan tái phát cao. Vì thế, cô buộc phải cắt bỏ nửa lá gan bị viêm theo chỉ định của bác sĩ, sức khỏe cô mới dần cải thiện.
Trên thực tế, thói quen xấu như thưc khuya và ăn đồ nướng chỉ là “ngòi nổ” làm trầm trọng thêm bệnh. Nguyên nhân khiến cô bị ung thư gan đó là do bị viêm gan B mãn tính.
Phòng chống ung thư gan như thế nào?
Gan là một trong những cơ quan quan trọng nhất trong cơ thể con người, không chỉ đảm nhiệm chức năng trao đổi chất mà còn có rất nhiều chức năng khác như giải độc, miễn dịch, tạo máu, được ví như một “siêu nhà máy” trong cơ thể người.
Một khi gan bị tổn thương, nó dễ dàng tiến triển thành ung thư gan, lúc này đã quá muộn. Vì thế việc bảo vệ gan càng sớm là điều nên làm.
- Tiêm vắc-xin viêm gan B
Viêm gan B là một loại bệnh truyền nhiễm với tỷ lệ mắc phải tương đối cao. Sau khi tiêm vắc-xin viêm gan B, đa số người lớn có thể loại bỏ virus viêm gan B thông qua hệ thống miễn dịch.
Cả trẻ sơ sinh và người lớn đều có nguy cơ nhiễm virus viêm gan B nhưng trẻ sơ sinh có nguy cơ cao hơn. Một khi mắc bệnh, trẻ sơ sinh dễ phát triển thành người mang virus viêm gan B không triệu chứng, hoặc chuyển thành viêm gan mãn tính.
Nếu không có phương pháp điều trị kịp thời sẽ làm tăng khả năng bị xơ gan, thậm chí ung thư gan. Virus viêm gan B là nguyên nhân chính gây ra ung thư gan nguyên phát.
Vì vậy, việc phòng chống viêm gan B cũng ngang bằng với việc phòng chống ung thư gan trên diện rộng.
- Khám sức khỏe thường xuyên
Đối với một người khỏe mạnh bình thường, nếu muốn biết tình trạng sức khỏe của gan, cần kiểm tra chức năng gan hằng năm. Đối với những người mắc bệnh gan hoặc mang mầm bệnh viêm gan B, nên khám sức khỏe định kỳ 6 tháng 1 lần để phòng bệnh và điều trị sớm.
- Duy trì lối sống lành mạnh
Bạn cần hạn chế thức khuya, đi ngủ trước 11 giờ để gan được nghỉ ngơi và hồi phục.
Tác hại của rượu đối với gan được tích tụ dần dần, từ “gan nhiễm mỡ do rượu” dẫn tới “viêm gan” rồi đến “xơ gan”, cuối cùng có thể gây ra ung thư.
Gan dễ bị tổn thương nhất với chế độ ăn nhiều chất béo trong thời dài. Vì vậy, tốt nhất bạn nên kiểm soát thói quen ăn đồ chiên rán và ăn đêm. Hơn nữa, thực phẩm bị mốc và hư hỏng (chẳng hạn như các loại hạt và ngũ cốc bị mốc) có chứa aflatoxin. Đây là chất gây ung thư cấp 1, có thể tác động trực tiếp lên gan và làm tăng nguy cơ mắc ung thư.
- Tập thể dục thường xuyên hơn và ít tức giận hơn
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, một người tức giận 5 lần một tháng có nguy cơ mắc bệnh gan cao gấp đôi. Vì thế, bạn cần học cách điều tiết cảm xúc và không nổi nóng, kích động theo ý muốn.
Bạn có thể chuyển hướng sự chú ý của mình, chẳng hạn như tham gia tập gym, tập thể dục nhịp điệu 2-3 lần một tuần, chạy bộ, đạp xe và yoga… có thể cải thiện khả năng miễn dịch của gan.
- Không uống thuốc bừa bãi
Uống thuốc lâu ngày sẽ khiến men gan tăng cao và gây gánh nặng cho gan. Vì vậy, tuyệt đối không nên uống thuốc bừa bãi, cần tuân theo đúng chỉ định của bác sĩ.