Thói quen nhịn ăn sáng nguy hiểm như thế nào?

Theo BSCKII Huỳnh Tuấn Vũ, hiện nay, xu hướng "ăn sáng giờ trưa" đang trở nên rất phổ biến, đặc biệt là trong giới trẻ và những người làm việc văn phòng. Tuy nhiên, không phải ai cũng phù hợp với phương pháp này.

Một số tác hại của việc nhịn ăn sáng đối với sức khỏe:

- Ảnh hưởng đến năng lượng, tinh thần: Bữa sáng giúp tái cung cấp năng lượng cho cơ thể sau một khoảng thời gian dài qua đêm, giúp não và cơ thể được cung cấp nguồn năng lượng cho một ngày mới làm việc hoặc học tập hiệu quả. Việc ăn sáng trễ có thể khiến cơ thể không phục hồi dự trữ glycogen (vai trò chất dự trữ năng lượng cho cơ thể) sau một đêm, hạ đường huyết. Cùng với đó, có thể khiến cơ thể cảm thấy mệt mỏi, lo lắng, bồn chồn, và không tập trung trong công việc hoặc học tập. Hiệu suất làm việc vì thế cũng giảm sút đáng kể.

(Ảnh minh họa).
 

(Ảnh minh họa).

- Tăng nguy cơ ăn quá nhiều vào các bữa khác, tăng cân: Với những người coi bữa sáng là chủ đạo, việc hạn chế hoặc thậm chí nhịn ăn sáng có thể giúp họ giảm cân. Tuy nhiên, đối với những người mà với họ bữa trưa hoặc bữa tối là quan trọng thì việc nhịn bữa sáng đối với họ có thể không mang lại hiệu quả, thậm chí họ còn có thể tăng cân do dễ dàng cảm thấy đói vào buổi trưa hoặc buổi tối và sau đó ăn uống không kiểm soát và chọn các thực phẩm không lành mạnh, dẫn đến việc tích tụ mỡ thừa và tăng cân.

- Tăng nguy cơ mắc các bệnh mãn tính: Một số nghiên cứu cho thấy bỏ bữa sáng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, cao huyết áp và tiểu đường type 2.

- Thiếu hụt chất dinh dưỡng và vitamin. Một nghiên cứu năm 2014 vè tác động của bữa sáng đối với trẻ em và thanh thiếu niên Canada. Kết quả cho thấy những người không ăn sáng sẽ thiếu vitamin D, vitamin A, canxi, sắt và magie, phốt pho và kẽm, có thể dẫn đến mất ngủ, trầm cảm và tăng nguy cơ mắc nhiễm trùng,… nếu cơ thể thiếu dinh dưỡng và vitamin. Lâu dài khiến sức khỏe giảm sút, dễ mắc bệnh hơn.

- Gây ra vấn đề về hệ tiêu hóa: Không ăn sáng và sau đó tiêu thụ một lượng lớn thức ăn vào buổi trưa khiến một số người có thể gặp vấn đề về tiêu hóa như trào ngược dạ dày hoặc đau bụng, viêm loét dạ dày,… Nhịn ăn sáng không chỉ khiến cơ thể bị bỏ đói, căng thẳng mà còn làm kích thích hệ tiêu hóa khiến cho thói quen đi vệ sinh hàng ngày bị thay đổi gây chứng tiêu chảy, buồn nôn hoặc bị táo bón.

- Đối với người già: Nhịn ăn sáng có thể dẫn đến thiếu hụt các dưỡng chất cần thiết. Cảm thấy mệt mỏi và thiếu năng lượng hơn, ảnh hưởng đến hoạt động hàng ngày và chất lượng cuộc sống. Vấn đề về đường huyết: Người già thường dễ bị hạ đường huyết. Nhịn ăn sáng có thể làm giảm mức đường huyết, gây ra các triệu chứng như chóng mặt, mệt mỏi và thậm chí ngất xỉu.

- Đối với người bệnh tiểu đường: Những người mắc bệnh tiểu đường cần duy trì mức đường huyết ổn định. Nhịn ăn sáng có thể gây ra biến động đường huyết, gây nguy hiểm cho sức khỏe.

- Đối với người bệnh tim mạch: Bỏ bữa sáng có thể làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề tim mạch, do sự thay đổi đột ngột trong mức đường huyết và huyết áp.

- Đối với người có vấn đề về tiêu hóa, như viêm loét dạ dày, trào ngược dạ dày thực quản,… có thể thấy tình trạng trở nên nặng hơn khi nhịn ăn sáng, do sự gia tăng axit dạ dày.

- Đối với người suy giảm sức khỏe (hệ miễn dịch yếu, người suy nhược, mệt mỏi,…) Người suy giảm sức khỏe cần năng lượng và dinh dưỡng từ bữa sáng để duy trì sức khỏe và hỗ trợ quá trình hồi phục. Nhịn ăn sáng có thể làm có thể làm suy giảm hệ miễn dịch, khiến họ dễ bị nhiễm trùng và bệnh tật hơn, tình trạng mệt mỏi, suy nhược có thể trở nên trầm trọng hơn và làm giảm khả năng tham gia vào các hoạt động hằng ngày.

Mọi người không nên ăn sáng muộn, nên có thói quen ăn sáng giờ cố định, tạo phản xạ có điều kiện cho cơ thể. Chúng ta nên dùng bữa sáng trước 8h, hoặc sau khi thức dậy 30 phút đến 1 tiếng.

Nên ăn sáng thế nào là khoa học?

- Bữa ăn sáng cần đầy đủ, cân đối dinh dưỡng. Ngoài chiếm 1/4 - 1/3 lượng protein trong ngày, bữa sáng còn cần thêm một trong những thành phần: tinh bột, chất đạm, chất béo, trái cây và rau củ.

- Mỗi ngày, cơ thể chúng ta cần trung bình 2.000 - 2.500 calo. Bữa sáng chiếm 400 - 500 calo. Lượng calo bữa sáng phải hợp lý, không nên nạp quá nhiều dễ gây cảm giác nặng nề, quá no, mất sự tập trung...

- Trứng, sữa, đậu nành, cá, thịt, ngũ cốc… là thực phẩm lý tưởng cho bữa sáng người trưởng thành. Ở Việt Nam, rất nhiều món ăn sáng đủ chất như bánh mì, xôi, bún, phở, hủ tiếu…

- Uống đủ nước: Bắt đầu ngày mới với một ly nước để giúp cơ thể bù nước sau một đêm dài. Nước cũng giúp hỗ trợ quá trình tiêu hóa và trao đổi chất.

- Hạn chế đường và thực phẩm chế biến sẵn, Những thực phẩm này có thể làm tăng nhanh mức đường huyết và gây cảm giác đói nhanh chóng sau đó.

- Ăn sáng bằng bánh ngọt không có lợi cho sức khỏe. Thành phần bánh ngọt là bột mì, trứng, sữa, bơ, trong đó bột mì là dạng hydratcarbon đơn giản. Nên chọn các loại carbohydrate phức hợp như ngũ cốc nguyên hạt, bánh mì nguyên cám, yến mạch, trái cây tươi hoặc rau củ. Carbohydrate phức hợp cung cấp năng lượng ổn định và chất xơ.

- Còn trái cây ít protein và calo, không thể cung cấp dinh dưỡng cần thiết tạo năng lượng và duy trì sự trao đổi chất bình thường. Do thiếu chất, bạn sẽ làm việc, học tập kém hiệu quả. Nồng độ enzyme cao trong trái cây có thể gây rối loạn dịch vị, dẫn đến đau dạ dày.

Nguồn: https://vietnamdaily.trithuccuocsong.vn/doi-song-24h/thoi-quen-nhin-an-sang-nguy-hiem-nhu-the-nao-213572.html

Bài viết khác