Trong các bữa cơm ngày hè, món cà muối là món ăn quen thuộc được người Việt yêu thích. Món ăn này không chỉ ngon miệng, giúp đưa cơm mà trong quả cà còn chứa một số tác dụng nhất định đối với sức khỏe.
Theo Đông y, cà pháo vị ngọt, tính hàn, có tác dụng tán huyết, tiêu viêm, chỉ thống, nhuận tràng, lợi tiểu, trị thũng thấp độc, trừ hòn cục trong bụng, ho lao. Thế nhưng chế biến và sử dụng cà muối không đúng cách có thể dẫn tới ngộ độc lâu dài còn là nguyên nhân gây bệnh ung thư.
4 sai lầm cần tránh khi ăn cà muối để phòng bệnh
Ảnh minh họa
Ăn cà muối xổi
Vào mùa hè, chị em thường có thói quen làm cà muối xổi, thậm chí muối cà vài tiếng là lấy ra ăn luôn. Tuy nhiên, chuyên gia khuyến cáo, việc ăn cà muối kiểu này chưa đảm bảo cà được lên men. Thậm chí, cà còn sống nguyên nên nguy cơ bị ngộ độc do nhiễm solanine là điều khó tránh.
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (nguyên giảng viên Viện Khoa học Công nghệ và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội), cà muối chưa đủ lên men có chứa độc tố solanine. Nhất là trong loại cà có vỏ màu xanh, lượng solanine cao gấp 10-15 lần với mức an toàn khi tiếp xúc cơ thể.
Loại chất này chính là phần chất độc nằm ở mầm xanh hoặc những phần màu xanh của khoai tây. Chỉ với hàm lượng nhỏ solanine cũng có thể khiến bạn bị ngộ độc.
Cà muối trong thùng sơn
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh khuyến cáo người dân cần dứt khoát nói không với dưa cà muối được bán ngoài chợ bởi chúng gần như được muối và đựng trong các thùng sơn.
Điều này rất nguy hiểm bởi trong thùng sơn còn lưu lại các chất phụ gia, chất tạo màu, dung môi từ sơn. Đặc biệt, trong đó có chứa những đơn chất là monome. Chất này hoàn toàn có thể hòa tan được trong nước dưa. Khi chúng ta ăn, monome sẽ hòa tan trong máu, hòa tan vào tế bào và gây ung thư.
Cà muốn bị lên men, mốc
Vẫn theo PGS Thịnh, khi dưa hoặc cà mới bị mốc nổi váng trắng, người ta vẫn có thể hớt bỏ váng, dùng nước ấm đã đun sôi rửa sạch để ăn. Tuy nhiên, khi chúng đã bị nổi váng vàng hoặc nấm đen tức đã xuất hiện các vi nấm độc hại (thông thường có loại nấm aspergilus flavor). Vi nấm này sản sinh ra một loại độc tố có tên là aflatocin - có thể gây ung thư gan, tổn thương hệ thần kinh trung ương, tim, phổi và sản sinh ra một số chất độc hại khác.
Cà muối dùng phụ gia để chống thối
Cà muối chua rất nhanh nổi váng nên một số người bán không ngần ngại dùng chất phụ gia chống thối hoặc dùng những chất không được phép sử dụng trong công nghiệp thực phẩm. Thông thường để bảo quản, các tiểu thương có thể dùng muối của axit sorbic như sorbat natri hoặc sorbat kali.
Hai chất này có tác dụng sát trùng mạnh đối với nấm men và nấm mốc, nó thể ức chế hoạt động của vi khuẩn, bảo quản thực phẩm lâu dài, mà không làm ảnh hưởng đến trạng thái bên ngoài, mùi vị cũng như chất lượng. Tuy nhiên, nếu ăn phải những thực phẩm này sẽ gây nhiễm độc, cụ thể là có thể bị viêm giác mạc mắt, viêm miệng, ruột, dạ dày…
4 nhóm người được khuyến cáo không nên ăn
Cà chấm mắm tôm là món không được khuyến khích. Ảnh minh họa
Người ốm
Người xưa thường có câu “1 trái cà bằng 3 chén thuốc”. Ý nói cà rất độc. Do đó, những người đang bị ốm nếu ăn cà vào sẽ làm tăng cảm giác mệt mỏi, khó chịu, khiến bệnh nặng thêm.
Phụ nữ mang thai
Món cà pháo muối chua, thơm giòn luôn hấp dẫn các bà bầu ốm nghén. Tuy nó có thể làm bạn “đã” cơn ốm nghén nhưng lại có ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của tử cung, không tốt cho em bé.
Ngoài ra, những phụ nữ khác cũng không nên ăn quá nhiều cà pháo, để giảm sự tác động đến tử cung, vì cà pháo chứa chất độc và có tính hàn.
Người mới ốm dậy
Tính hàn trong cà pháo sẽ khiến cho sức khỏe của bạn gặp nhiều bất lợi. Không những không thể giúp cơ thể nhanh chóng hồi phục sức khỏe mà nó còn khiến bạn mệt mỏi.
Không nên ăn cà muối xổi, dưa muối chưa chín hay ăn cà muối với mắm tôm, sẽ tạo điều kiện thuận lợi để sản sinh ra độc tố nitrosamine, tăng cao nguy cơ ung thư dạ dày.
Người mắc bệnh tiêu hóa
Những người có hệ tiêu hóa không tốt, mắc các bệnh như xơ gan cổ trướng, viêm loét dạ dày không nên ăn nhiều cà muối. Người già, phụ nữ mang thai hay trẻ em cũng cần hạn chế ăn.
Cách muối và ăn cà muối an toàn
- Muối cà nên sử dụng đồ chứa bằng gốm, sành sứ không có hoa văn lòe loẹt. Tiện dụng nhất là sử dụng đồ chứa bằng nhựa màu trắng, được sản xuất từ nhựa PVC.
- Tự muối ăn là an toàn nhất, nhưng kể cả khi tự muối, dưa cà đã nổi váng hoặc nổi mốc đen thì nên bỏ đi vì chúng có thể gây độc.
- Tuyệt đối không ăn cà muối xổi, đặc biệt không ăn cùng mắm tôm vì chúng sẽ tạo điều kiện sản sinh ra độc tố nitrosamine gây nguy cơ ung thư dạ dày.
Bác sĩ khuyến cáo, cách tốt nhất để bảo đảm an toàn với sức khỏe là không nên ăn quá nhiều cà muối. Mỗi người chỉ nên ăn khoảng 50gr cà muối và ăn 2-3 lần/tuần.
Nguồn: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/nhung-thoi-quen-an-ca-muoi-nguoi-viet-tuyet-doi-khong-nen-lap-lai-de-phong-tranh-ung-thu-172230324112236867.htm