Dứa là một loại quả phổ biến trong mùa hè. Tuy nhiên, có những người tuyệt đối không nên ăn dứa để tránh gây hại cho sức khỏe.
* Người bị tăng huyết áp
Chất serotonin (5 - hydroxytryptamine, 5 - HT) có trong dứa là một dược chất có tác dụng làm co thắt huyết quản rất mạnh, gây hưng phấn thần kinh cao và có thể làm tăng huyết áp ở người bình thường. Vì vậy, nếu người có tiền sử tăng huyết áp khi sử dụng nhiều dứa dễ gây ra hiện tượng nóng bừng mặt, đau đầu choáng váng... dễ có nguy cơ cơn tăng huyết áp kịch phát.
* Người bị dạ dày không nên ăn dứa
Quả dứa có nhiều axít hữu cơ và có một số enzyme có tác dụng làm tiêu protein, không có lợi cho người đau dạ dày, làm tăng viêm loét niêm mạc dạ dày.
* Những người có bệnh chảy máu hoặc có nguy cơ chảy máu
Dứa có tác dụng phân hủy fibrin chống tụ huyết nên có tài liệu khuyên những người có bệnh chảy máu hoặc có nguy cơ chảy máu (người hay chảy máu cam, sốt xuất huyết, vết thương lớn, phụ nữ băng huyết…) không nên ăn dứa hay uống nước dứa.
* Những người đang đói bụng
Khi bụng đói không nên ăn dứa hoặc uống nước dứa ép vì các acid hữu cơ của dứa và bromelin tác động mạnh vào niêm mạc dạ dày, ruột, dễ gây nôn nao, khó chịu.
* Người có tiền sử viêm da cơ địa, dị ứng
Men bromelin là một loại enzym có chức năng thủy phân protit, được ứng dụng để trị rất nhiều bệnh khác nhau. Nhưng một số nghiên cứu cho thấy, rất nhiều người dị ứng loại men này, sau khi ăn dứa từ 15 phút hoặc lâu hơn, men này kích thích cơ thể sinh ra các histamin làm xuất hiện các triệu chứng: Đau quặn bụng từng cơn, có thể lợm giọng, buồn nôn, nổi mày đay, ngứa ngáy khó chịu, môi tê dại... nặng hơn có thể gây khó thở...
Những trường hợp này hay gặp và diễn biến nặng ở bệnh nhân có tiền sử cơ địa dị ứng như mề đay, viêm da cơ địa, viêm mũi dị ứng, hen phế quản...
* Người có tiền sử bị “say dứa”
Khi ăn dứa, chúng ta cần chú ý đề phòng một căn bệnh rất thường gặp trong mùa dứa chín đó là ngộ độc dứa. Nguyên nhân gây ra dị ứng, ngộ độc dứa là do một loại nấm độc Candida tropicalis thường gặp trên mặt đất ẩm. Loại nấm này phát triển mạnh về mùa hè trùng với mùa dứa chín.
Cụ thể là, sau khi ăn dứa xong khoảng từ 30 phút đến 1 giờ, người bệnh thấy mệt mỏi, khó chịu, ngứa dữ dội khắp người và gãi đến sướt da chảy máu vẫn không đỡ. Ngay sau đó bệnh nhân cảm thấy nóng bừng và nổi mẩn khắp người.
Đối với những người đã bị say dứa một lần rồi càng phải thận trọng khi ăn dứa, tốt nhất là nên ăn ít để thăm dò dần dần đề phòng cơ thể "không chịu" loại thức ăn này.
* Cách xử lý tại nhà khi bị dị ứng, ngộ độc dứa
Nếu bạn bị dị ứng, ngộ độc nhẹ, có thể xử lý tại nhà bằng cách gây nôn cho người bệnh. Dùng tay ngoáy họng cho nôn ra hết chất độc vừa ăn phải.
Sau đó cho người bệnh uống siro ipeca với liều lượng người lớn từ 15-30 ml, trẻ em từ 1-12 tuổi 5ml.
Cần cho uống than hoạt tính để giải trừ hết chất độc của dứa còn sót lại trong cơ thể: Lấy 20 gam pha trong 200 ml nước uống 1 lần. Uống nhắc lại sau 2 giờ với liều lượng 100g ở người lớn, 25-30g ở trẻ em.
Trong trường hợp bị khó thở, suy hô hấp…cần đưa bệnh nhân đi cấp cứu tại cơ sở y tế.
Tại cơ sở y tế, bác sĩ sẽ truyền dịch cho nạn nhân tùy theo tình trạng mất nước do nôn mửa và tiêu chảy, nhưng cần lưu ý trụy mạch còn do sốc dị ứng, có khi không mất nước mà vẫn trụy mạch. Nếu cần, theo dõi áp lực tĩnh mạch trung ương mà truyền dịch
* Cách ăn dứa, uống nước ép dứa có lợi cho sức khỏe
- Không ăn hoặc uống nước dứa từ những quả dứa dập nát.
- Gọt dứa phải hết lớp vỏ, cắt sâu cho hết mắt, sau đó ngâm dứa vào nước muối nhạt khoảng 10- 30 phút. Cách làm này không chỉ tránh được hiện tượng rát lưỡi khi ăn dứa, mà còn giúp thấy dứa có vị thơm, ngon hơn.
- Nếu có cơ địa dị ứng, tốt nhất, nên sử dụng dứa đã qua chế biến (xào, nấu canh). Dưới tác dụng của nhiệt, khả năng gây dị ứng của dứa sẽ không còn.