Dâu tằm đang vào mùa, đã ngon lại còn bổ thận, sáng mắt, nhuận tràng và chữa tóc bạc sớm

Lương y đa khoa Nguyễn Thanh Thúy – Đông y Ích Thọ Đường (Hà Nội) cho biết, cây dâu tằm được trồng ở nhiều nơi. Lá của cây dâu tằm mọc so le, hình bầu dục, nguyên hoặc chia 3 thuỳ, đầu lá nhọn hoặc hơi tròn, mép lá có răng cưa, hoa cái mọc thành bông hoặc thành hình khối cầu.

Các bộ phận của cây dâu đều được tận dụng như lá để nuôi tằm, một số bộ phận làm thuốc. Quả dâu (tang thầm) bao bọc trong lá đài, quả phức màu đỏ, khi chín thành màu đen sẫm có thể dùng để ăn, có thể làm thuốc. Quả dâu cũng là phần có giá trị dinh dưỡng và dược liệu nhất ở toàn bộ cây dâu. Trong quả dâu có nước 84,71%, đường 9,19 %, Axit 1,80% , protit 0,36% , vitamin C, E, acid folic.....

Dâu tằm đang vào mùa, đã ngon lại còn bổ thận, sáng mắt, nhuận tràng và chữa tóc bạc sớm - 1

Quả dâu tằm có rất nhiều công dụng. Ảnh TL

Loại quả dân dã này có rất nhiều tác dụng. Quả dâu có tác dụng bổ thận, sáng mắt, bổ toàn thân, giúp tiêu hoá tốt, nhuận tràng. Trong Đông y vẫn sử dụng quả dâu để chữa kém ngủ, râu tóc sớm bạc… Đặc biệt, người tóc bạc sớm không còn là nỗi lo nếu biết tận dụng thứ quả dân dã này. Liều dùng 12- 20gr khô. Tươi có thể dùng 50g – 70gr.

+ Tóc bạc, tóc không mọc : quả dâu ngâm nước, lọc nước xát vào đầu.

+ Chữa bệnh tràng nhạc : quả dâu chín đen 2 bát to đầy, xay vắt lấy nước, cô thành cao mềm. Uống 3 lần / ngày, mỗi lần 5gr.

Quả dâu còn được dùng chế biến làm thực phẩm như mứt dâu, siro dâu, rượu dâu....

Ngoài ra, quả dâu còn giúp giảm đau họng. Mọi người dùng 500g dâu rửa sạch và ép thành nước. Dùng nước quả dâu để súc miệng (từ 3 đến 5 ngày) chữa các chứng đau ở miệng, họng.

Lương y đa khoa Thanh Thúy khuyến cáo, quả dâu tằm nếu dùng đúng cách sẽ tốt cho sức khỏe. Nhưng nếu sử dụng không đúng cách sẽ dẫn đến hậu quả không mong muốn. Quả dâu rất dễ lên men, dễ mốc... Khi chế biến không đúng cách dẫn đến bị ngộ độc: say rượu dâu, đau đầu chóng mặt, ói mửa, đau bụng ....

 

Dâu tằm đang vào mùa, đã ngon lại còn bổ thận, sáng mắt, nhuận tràng và chữa tóc bạc sớm - 2
 

 

Lương y đa khoa Thanh Thúy cho biết chế biến dâu không đúng cách dễ ngộ độc. Ảnh TG

Các chuyên gia đông y nhấn mạnh, mặc dù quả dâu có rất nhiều công dụng nhưng khi dùng chú ý không dùng với các bệnh như sôi bụng, ỉa chảy… Trong nước quả dâu có chứa chất tannin nên tuyệt đối không tích trữ dâu tằm trong các dụng cụ chứa kim loại như đồng, sắt, nhôm... Khi nấu nước dâu, đựng dâu nên dùng nồi tráng men, thủy tinh hoặc nồi đất. Quả dâu cũng có thể gây dị ứng, nhất là loại quả dập nát hư hỏng hay có dùng thuốc bảo vệ thực vật.

Thời điểm này tại các chợ, phố Hà Nội rất dễ gặp các hàng quán bán quả dâu. Mọi người có thể mua về để chế biến siro dâu dùng cho cả nhà. Việc chế biến siro dâu tằm cũng giống các loại trái cây khác. Khi lựa chọn, mọi người cần chọn những quả tươi, không bầm dập. Sau đó rửa sạch để vào rá cho ráo nước. Cho vào bình thủy tinh và trộn với đường theo tỷ lệ 2 dâu một đường. Để nước dâu không bị lên men giấm, mọi người nên cho một ít rượu gạo ngon để sát trùng. Sau khoảng 1 – 2 ngày tan hết đường lọc lấy nước rồi đun sôi cho đến khi ra nước màu đỏ sền sệt, tỏa mùi thơm rồi để nguội chiết vào lọ thủy tinh dùng uống dần.

Bài viết khác