Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, năm 2014, có khoảng 4.850 ca ung thư âm hộ mới và 1.030 ca tử vong do căn bệnh này. Tỷ lệ sống 5 năm đối với ung thư âm hộ là khoảng 70%. Ở nước ta, theo thống kê của Bộ Y tế, ung thư âm hộ chiếm từ 3-5% các ung thư sinh dục nữ khoa và đứng thứ tư trong số những ung thư đường sinh dục, sau ung thư nội mạc tử cung, cổ tử cung, buồng trứng.
BS Nguyễn Văn Tiến (Bệnh viện Ung bướu, TP.HCM), ung thư âm hộ là ung thư xảy ra trên mặt ngoài của bộ phận sinh dục nữ. Ung thư âm hộ thường biểu hiện như một nốt hoặc một vết loét gây ngứa. Vị trí ung thư âm hộ thường gặp nhất là ở môi lớn, ít gặp hơn ở vị trí khác như môi nhỏ, âm vật hay các tuyến âm đạo. Mặc dù bệnh có thể gặp phải ở mọi lứa tuổi nhưng tỷ lệ lớn vẫn ở người lớn tuổi, thường gặp nhất ở lứa tuổi 65-75 tuổi.
Chú ý chăm sóc sức khỏe sinh sản là một trong những biện pháp phòng ngừa ung thư âm hộ. Ảnh minh họa
Theo các bác sĩ Bệnh viện K Trung ương, yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư âm hộ ngoài yếu tố tuổi tác, nhiễm virus gây u nhú HPV được coi là một trong những nguyên nhân gây bệnh. Đây là virus lây lan qua đường tình dục và yếu tố nguy cơ của một số bệnh ung thư như ung thư cổ tử cung và âm hộ. Người quan hệ tình dục sớm hoặc có nhiều bạn tình, quan hệ tình dục không an toàn có khả năng cao nhiễm virus này. Ngoài ra, chị em có tổn thương tân sinh trong biểu mô âm hộ cũng dễ tiến triển thành ung thư. Việc điều trị để loại bỏ những vùng có tế bào bất thường và theo dõi định kỳ sau đó là điều quan trọng cần chú ý.
Biểu hiện của ung thư âm hộ ban đầu u có thể có dạng nhú nhỏ, nhưng thường là dạng loét, cứng. 2/3 triệu chứng ung thư âm hộ là bị ngứa âm hộ, thường xảy ra vài năm trước khi xuất hiện ung thư và có liên quan đến các tổn thương tiền ung thư. Có thể người bệnh sẽ gặp các triệu chứng như tiểu khó và đau rát, đau tức vùng chậu, chảy máu âm đạo bất thường, không trong chu kì kinh nguyệt… Khi chị em thấy chảy máu âm đạo bất thường sau khi quan hệ tình dục hoặc ở những phụ nữ đã mãn kinh đó có thể là biểu hiện ban đầu, thường gặp nhất của bệnh ung thư âm đạo. Tuy nhiên, hiện tượng chảy máu này cũng có thể là triệu chứng của các bệnh phụ khoa khác.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng nhấn mạnh chị em cũng cần lưu ý dịch tiết bất thường ở âm đạo. Dịch âm đạo là hiện tượng nhiều chị em gặp phải nhưng dịch âm đạo bất thường, có mùi khó chịu, có máu lại có thể là triệu chứng của ung thư âm đạo. Ngay khi thấy dấu hiệu này chị em cần đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt.
Ung thư âm hộ nếu như được chẩn đoán và điều trị sớm có tiên lượng tốt. Nhưng thông thường người bệnh đến viện khi đã ở giai đoạn muộn. Để điều trị ung thư âm hộ, bệnh nhân sẽ cần phải phẫu thuật lấy đi khối bướu và một ít mô lành xung quanh. Ở giai đoạn muộn khi khối bướu đã lớn đôi khi phải cắt âm hộ toàn bộ.
Với những trường hợp không thể phẫu thuật triệt căn có thể xạ trị đơn thuần. Đây là phương pháp sử dụng các tia năng lượng cao như tia X để tiêu diệt tế bào ung thư. Với những trường hợp giai đoạn trễ, bệnh đã lan rộng đến các khu vực khác của cơ thể, hóa trị có thể là một lựa chọn để tiêu diệt tế bào ung thư.
Bác sĩ Tiến khuyến cáo, ngay cả sau khi điều trị thành công, ung thư âm hộ có thể tái phát trở lại. Bởi vậy, chị em cần phải theo dõi định kỳ, tái khám là 6 tháng/lần để phát hiện sự tái phát ung thư.
Việc phòng ngừa ung thư âm hộ cũng như các bệnh phụ khoa khác ở chị em cần giữ vệ sinh vùng kín sạch sẽ, không quan hệ tình dục sớm và quan hệ tình dục an toàn để tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Đặc biệt, chị em phụ nữ cần đi khám phụ khoa định kỳ 6 tháng/lần hoặc khi có những bất thường ở vùng kín nên tới cơ sở y tế khám, điều trị kịp thời. Việc tiêm phòng HPV theo đúng hướng dẫn của bác sĩ cũng cần được quan tâm.