Thấp khớp cấp (thấp tim) là một bệnh có liên quan đến nhiều yếu tố khác nhau, trong đó yếu tố do vi khuẩn và tự miễn đóng vai trò hết sức quan trọng.
Hướng dẫn cách phòng và chữa bệnh thấp khớp cấp
Cần vệ sinh họng, miệng hàng ngày tránh không để người bệnh mắc các bệnh viêm đường hô hấp trên như viêm họng, viêm mũi, viêm amidan, VA, viêm xoang.
Khi phát hiện người bệnh đã bị viêm đường hô hấp do vi khuẩn liên cầu nhóm A cần tích cực điều trị theo đơn của bác sĩ. Khi
biết người bệnh bị bệnh thấp tim do vi khuẩn liên cầu nhóm A cần dùng kháng sinh để tiêu diệt hết vi khuẩn.
Tốt nhất là dùng benzathin penicilin tiêm bắp thịt với liều lượng 3 tuần tiêm một lần, mỗi lần 1,2 triệu đơn vị với người trưởng thành hoặc trẻ có cân nặng trên 30kg (với trẻ dưới 30kg cân nặng thì chỉ tiêm mỗi một lần là 600.000đơn vị).
Nếu không có điều kiện tiêm kháng sinh, có thể dùng kháng sinh dạng viên uống, như phenoxymethyl penicilin, viên 250mg, uống 1 viên một lần với 4 lần trong một ngày. Những trẻ dưới 20kg cân nặng chỉ uống 125mg/lần x 4 lần ngày.
Nếu người bệnh bị dị ứng với penicilin, có thể thay bằng erythromycin với liều lượng tương tự như phenoxymethyl penicilin và nếu trẻ nhỏ có dưới 25kg cân nặng dùng 40mg/1kg cân nặng/ ngày.
Khi đã bị thấp khớp cấp cần tiêm kháng sinh cách nhau 3 tuần một lần và tối thiểu trong 5 năm và tốt nhất là phòng bệnh đến 18 tuổi, có khi còn lâu hơn theo chỉ định của bác sĩ theo dõi bệnh cho con, em mình.
Đặc biệt những bệnh nhi trong đợt đầu đã có tổn thương tim cần tiếp tục tiêm phòng cho đến 25 tuổi và có thể kéo dài hơn nữa nếu có nguy cơ tái phát.
Và những bệnh nhân có tổn thương van tim mạn tính do thấp tim thì phòng bệnh tái phát cần kéo dài trong suốt cuộc đời.
Người ta cũng khuyên rằng một số bệnh nhân cho dù đã phẫu thuật tim do bệnh thấp tim vẫn có thể có nguy cơ tái phát và do vậy cũng cần tiêm phòng thấp khớp cấp.