Ở nhiều quốc gia Đông Nam á, nội tạng động vật được sử dụng rộng rãi, chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn. Tuy nhiên, mỗi bộ phận lại ẩn chứa rủi ro khó lường.
Nguy hiểm khi ăn nội tạng động vật Nội tạng động vật là nơi tiêu hóa, chứa đựng căn bã thức ăn, nhiều chất đạm, chất béo, cholesterol, không phù hợp với người bệnh gout, suy thận, mỡ máu, cao huyết áp.
Một số nội tạng động vật, điển hình là gan có hàm lượng vitamin A rất cao. Đây cũng là nguồn thực phẩm dồi dào khoáng chất sắt, folate, canxi, đồng, và kẽm.
Bên cạnh lợi ích dinh dưỡng mà nó đem lại, gan cũng ẩn chứa những rủi ro nhất định. Trung bình 100 g gan chứa 1,2 g chất béo bão hòa và 302 mg cholesterol, nhiều hơn lượng cholesterol tối đa hàng ngày được cho phép sử dụng đối với người khỏe mạnh (300 mg) và người bị bệnh tiểu đường hoặc bệnh tim (200 mg).
Theo nhiều nghiên cứu gần đây, cholesterol và chất béo bão hòa là một trong những tác nhân gây ra bệnh tim. Hiệp hội Tim mạch Mỹ vẫn luôn kiên định với đề xuất rằng chất béo bão hòa chỉ nên giữ ở mức thấp hơn 5-6% lượng calo tiêu thụ hàng ngày.
Ngoài ra, gan và thận động vật có thể chứa độc tố nếu con vật đó bị nhiễm chất độc từ thức ăn hoặc môi trường. Các cơ quan nội tạng khác có thể không chứa nhiều chất độc nhưng lại tiềm ẩn những rủi ro khác.
Cơ quan tiêu hóa hay ruột động vật nói chung, nếu không được làm sạch và chế biến kỹ, có thể mang theo nhiều loại vi khuẩn nguy hiểm, ký sinh và gây bệnh cho người.
Đồ ăn chế biến từ não động vật cũng có thể liên quan đến việc truyền bệnh, điển hình là bệnh bò điên ở người.
Trong các cơ quan nội tạng, tim động vật là bộ phận mang lại khá nhiều lợi ích sức khoẻ với rủi ro tương đối thấp.
Hầu hết nội tạng động vật đều an toàn nếu bạn sử dụng với tần suất thấp. Các nhà khoa học cũng cảnh báo chúng ta nên chế biến kỹ bất cứ món ăn nào liên quan đến nội tạng động vật để tránh bị nhiễm bệnh.