Có thể nói trứng là một trong những loại thực phẩm phổ biến nhất thế giới. Nguyên nhân là bởi trứng có giá trị dinh dưỡng cao, chứa nhiều vitamin, khoáng chất, axit amin lại dễ chế biến thành nhiều món ăn ngon.
Theo nghiên cứu, một quả trứng luộc chứa protein, vitamin A, B tổng hợp, vitamin D, E, K, canxi, kẽm, folate, selen, phốt pho, chất béo lành mạnh và nhiều chất dinh dưỡng khác.
Vitamin D trong trứng tốt cho xương, giúp chúng ta tránh được các bệnh như loãng xương trong khi các axit amin và vitamin, khoáng chất khác trong trứng cũng hỗ trợ điều trị mất cân bằng sinh hóa trong cơ thể và giúp chúng ta có tóc và móng khỏe mạnh.
Cholin là một dưỡng chất quan trọng ngang với vitamin B. Nó giúp hình thành màng tế bào và sản sinh các phân tử tín hiệu của não. Nhiều người không biết tới sự tồn tại của dưỡng chất thiết yếu này nhưng trứng “âm thầm” cung cấp chúng. Một quả trứng chứa khoảng 100mg cholin.
Trứng chứa nhiều cholesterol (một quả trứng chứa 212mg choleslterol, chỉ ít hơn 88mg so với lượng khuyến nghị hàng ngày là 300mg), nhưng điều quan trọng là cholesterol trong trứng không nhất thiết dẫn tới cholesterol cao trong máu. Ảnh hưởng cholesterol của trứng thậm chí là tương đương với lượng cholesterol được sản xuất bởi gan hàng ngày. Tuy nhiên, cần nhớ rằng, ăn trứng không làm tăng cholesterol ở phần lớn người sử dụng. trong những trường hợp “siêu nhạy cảm”, nó có thể làm tăng nhẹ cholesterol toàn phần và cholesterol xấu. Những người bị các rối loạn di truyền như tăng cholesterol máu cần giảm hoặc tránh sử dụng trứng.
Đặc biệt, ăn trứng có thể làm thay đổi hàm lượng lipoprotein tỉ trọng thấp (LDL) – cholesterol xấu - từ nhỏ và đặc sang lớn hơn, làm giảm nguy cơ đau tim. Các hạt nhỏ và đặc trong LDL có hại hơn so với các hạt lớn và do vậy, thay đổi kích cỡ hạt này có lợi cho sức khỏe.
Ngoài ra, trứng chứa nhiều chất dinh dưỡng nên ăn trứng giúp bạn cảm thấy no hơn và có xu hướng giảm lượng calo, cuối cùng là giảm cân. Vì vậy, trứng cũng được coi là thực phẩm giúp giảm cân.
Trứng tốt cho sức khỏe nhưng phải biết cách ăn, nếu không sẽ thành "thuốc độc", 3 loại trứng dưới đây tốt nhất bạn nên hạn chế ăn để tránh gây hại cho cơ thể.
Trứng bị nứt vỏ
Trứng bị nứt vỏ rất phổ biến trong cuộc sống hàng ngày, trứng trong quá trình đóng gói và vận chuyển chắc chắn sẽ va vào nhau nên hiện tượng bị giập và nứt là dễ hiểu.
Tuy nhiên, bạn cần biết rằng sau khi vỏ trứng nứt ra, màng trứng trong vỏ trứng không còn khả năng bảo vệ trứng, vi khuẩn dễ dàng xâm nhập vào bên trong trứng, ăn phải sẽ ảnh hưởng nhất định đến sức khỏe của con người.
Trứng gà ung
Các chuyên gia về dinh dưỡng cho biết, thực chất trứng ung là trứng bị hỏng trong quá trình ấp trứng do ảnh hưởng của nhiệt độ, môi trường. Vỏ trứng lúc ấy không còn tác dụng bảo vệ nên nhiều loại vi khuẩn dễ dàng xâm nhập vào trứng.
Trong trứng ung, chất dinh dưỡng hầu như không còn vì phôi đã bị tiêu hủy, đồng thời do tác động của vi khuẩn, trứng ung biến thành một "kho chất độc". Kể cả khi luộc hay rán, vi khuẩn có thể sẽ bị chết nhưng độc tố của chúng thì vẫn tồn tại.
Trên thực tế, đã có nhiều người thường xuyên ăn trứng ung mà không bị ngộ độc, bác sĩ cũng giải thích có thể do nhiều người có thói quen ăn loại thực phẩm này từ lâu nên cơ thể đã thích nghi, không có biểu hiện bị ngộ độc. Song, xét về góc độ sức khỏe lâu dài, chuyên gia dinh dưỡng khuyên người dân không nên sử dụng trứng ung, vì đây không phải là thực phẩm an toàn.
Các biểu hiện thường gặp khi ăn trứng ung là chướng bụng, khó tiêu, nôn mửa, đau bụng, tiêu chảy, sốt, đau cơ và thậm chí có thể mắc bệnh thương hàn. Về lâu dài, một số độc tố tích lũy ở gan, dẫn đến gan chuyển hóa kém và đó là một trong những tiền đề dẫn đến gan nhiễm mỡ, xơ gan. Bên cạnh đó, người thường xuyên ăn trứng ung có hơi thở rất nặng mùi do chất H2S trong trứng.
Việc tăng cường khả năng sinh lý nam giới của trứng ung như đồn thổi đến nay vẫn chưa hề có căn cứ khoa học nào. Vậy nên việc những người ăn trứng ung đã vô tình đưa mầm bệnh vào cơ thể và có nguy cơ nhiễm độc tiêu hóa rất cao.
Trứng sống
Có nhiều lý do khiến chúng ta không nên ăn trứng sống. Thứ nhất, lòng trắng trứng khó tiêu và đồng hóa kém do có men antitrypsin, ức chế men tiêu hóa của tụy và ruột. Khi đun nóng 80 độ C, men này sẽ bị phá hủy.
Thứ 2, trong lòng trắng trứng tươi, chất biotin kết hợp với một protein là avidin làm mất hoạt tính của biotin, tạo phức hợp biotin - avidin rất bền vững và không chịu tác dụng của men tiêu hóa. Khi nấu chín avidin sẽ được giải phóng khỏi phức hợp biotin - avidin.
Vì vậy, khi ăn trứng sống có biểu hiện ngộ độc chính là tình trạng thiếu biotin. Các dấu hiệu của tình trạng này là chán ăn, nôn mửa, viêm lưỡi, viêm kết mạc, viêm quanh móng…
Theo các bác sĩ, không nên ăn trứng gà sống hay hòa tan trứng sống trong cháo nóng, canh nóng mà nên luộc hoặc nấu chín để phòng nhiễm khuẩn... Đường sinh dục của gà có rất nhiều vi khuẩn nên cả trong và ngoài trứng gà đều có thể nhiễm khuẩn, đặc biệt là salmonella - một yếu tố gây ngộ độc thức ăn.
Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/3-loai-trung-cang-an-cang-hai-nhieu-nguoi-khong-biet-van-dung-a666629.html