Ảnh hưởng của rượu trên thai nhi ( Phần 1)

Rượu là một dược phẩm cổ xưa nhất mà nhân loại đã từng biết tới. Và rượu cũng là một trong nhiều chất độc hại mà con người tự nguyện tiêu thụ.
Tại vài quốc gia âu Mỹ, rượu là nguyên nhân hàng đầu gây ra chậm phát triển trí tuệ cho đứa con khi mẹ mang thai nghiện rượu. Hậu quả này đứng trên cả Hội chứng Down, truờng hợp đứa con chậm trí do mẹ luống tuổi sanh con lần đầu.
Khi uống rượu thì mẹ uống bao nhiêu con cũng uống bấy nhiêu, vì rượu theo máu lưu chuyển sang con với cùng nồng độ.
Nếu trong máu mẹ có mức rượu là 0.3% thì ở thai nhi cũng là 0.3%. Nhưng nhờ cơ thể to lớn hơn với các chức năng hoàn hảo của lá gan nên người mẹ phân hủy rượu nhanh chóng hơn so với thai nhi. Vì thế, nếu người mẹ say rượu chỉ trong vài giờ thì thăi nhi vẫn còn tiếp tục “li bì” đến vài ngày. Uống say khướt (binge) trong thời gian ngắn lại càng nguy hại hơn là uống lai rai kéo dài trong nhiều năm.
Tác hại của rượu bao gồm: 
Sau khi uống, chất rượu ethanol được chuyển thành acetaldehyde, gây độc hại lên tế bào thai nhi. Các nhà chuyên môn đã đưa ra một số giải thích ảnh hưởng này như sau:
a-Rượu tương tác với chất prostaglandin, một chất có liên hệ rất nhiều tới sự tăng trưởng và các chức năng của thai nhi.
b-Rượu làm giảm sự lưu thông máu từ mẹ qua con, do đó chất dinh dưỡng, dưỡng khí giảm và tế bào thai nhi bị suy yếu, kém tăng trưởng.
c-Rượu cũng có thể ảnh hưởng tới sự hấp thụ khoáng chất kẽm và magnesium hoặc làm thay đổi các diếu tố (enzymes), lượng kích thích tố như corticosteroid, kích thích tố tăng trưởng. Mỗi người, mỗi chủng tộc có những enzyme khác nhau để phân hủy rượu, nên ảnh hưởng rượu thay đổi tùy người, tùy giống nòi.
d-Rượu làm thay đổi cấu trúc của màng tế bào, đưa đến thay đổi hình dạng, kích thước, làm chậm tăng trưởng và chậm phân bào. Mọi tế bào đều bị ảnh hưởng, nhất là tế bào thần kinh vào giai đoạn đầu của thời kỳ có thai.
e-Rượu cũng giảm khả năng tổng hợp các chất dẫn truyền tín hiệu thần kinh cho nên các hoạt động trí não bị ảnh hưởng rất nặng.
Tác hại của rượu lên thai nhi không chỉ trong một thời gian ngắn, mà còn kéo dài hầu như mãi mãi về sau. Tùy theo độ tuổi của đứa trẻ khi lớn lên, các tác hại này có những biểu hiện khác nhau.
Khi tuổi còn thơ, trẻ hay bồn chồn, dễ kích thích, ăn ngủ khó khăn, chậm lớn, chậm phát triển, cử động không nhịp nhàng.
Trước tuổi đi học, trẻ có biểu hiện hiếu động quá mức, kém tập trung, chậm hiểu, diễn tả ngôn ngữ khó khăn
Vào tuổi đi học thì trẻ không thể tập trung sự chú ý, quá hoạt động, không biết làm toán, học hỏi chậm, kém tiếp thu, hành động không tự chủ.
Khi lớn lên, trẻ kém trí nhớ, kém suy luận, nhận xét, không biết cách sử dụng tiền bạc, không biết hậu quả việc làm, có hành động dục tính không hợp lý, nghiện rượu thuốc cấm, có vấn đề trong hành vi, cư xử...
Hội chứng này là một tàn tật vĩnh viễn, vì không thể chữa trị dứt cũng như cơ thể trẻ không thể tự vượt qua khi lớn lên như một số bệnh tật khác. Lý do là vì tế bào thần kinh hư hỏng không phục hồi được. Nhiều tế bào thần kinh không phát triển, không tăng trưởng, bỏ trống, thiếu giây thần kinh nối kết nên các chức năng bị rối loạn.

Bài viết khác