Sau khi tiêm vắc-xin COVID-19, có những dấu hiệu nào cần đến ngay cơ sở y tế?

Theo Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên, vắc-xin bản chất là một sinh phẩm, khi tiêm vào cơ thể thì có tỉ lệ nhất định phản ứng sau tiêm. Tùy theo cơ địa của từng người mà phản ứng khác nhau. Vắc-xin nào tiêm cũng có số ít xảy ra phản ứng không mong muốn.

Khi vắc-xin COVID-19 về Việt Nam, trước khi đưa vào sử dụng, Bộ Y tế đã chỉ đạo kiểm định chất lượng rất chặt chẽ. Bộ cũng chỉ đạo Cục Quản lý khám chữa bệnh tập huấn cho tất cả cán bộ y tế trực tiếp tham gia cấp cứu xử lý các trường hợp sốc phản vệ ngay tại các điểm tiêm. Chúng ta phải khám sàng lọc kỹ những trường hợp có bệnh nền, có dị ứng và tạm thời chưa tiêm các đối tượng này.

Sau khi tiêm vắc-xin COVID-19, có những dấu hiệu nào cần đến ngay cơ sở y tế? - 1

Tiêm vắc-xin COVID-19. 

Lực lượng y tế cũng luôn sẵn sàng trực tại các trung tâm y tế huyện trở lên, sẵn sàng thuốc, xe vận chuyển… để xử lý kịp thời khi không may có trường hợp xảy ra.

“Chúng tôi cũng đã tập huấn chi tiết cho những cán bộ y tế, những người tình nguyện hướng dẫn những người được tiêm, sắp tiêm. Sau tiêm, người dân phải được theo dõi tại nơi tiêm 30 phút, sau đó tự theo dõi tại nhà từ 24-48 giờ tiếp theo.

Khoảng thời gian đó, nếu có các phản ứng như: Ngứa, nổi mề đay, tức ngực, thậm chí có biểu hiện của hôn mê, thì người nhà, hoặc bản thân người tiêm cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được xử lý kịp thời.

Các địa phương hiện nay đều có số điện thoại trực cấp cứu. Hoặc ngay tại các điểm tiêm, chúng tôi sẽ dán các áp phích có địa chỉ, tuyến cấp cứu, số điện thoại để người dân không may có các phản ứng trên có thể liên lạc nhanh nhất”,  Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên nói.

Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, an toàn tiêm chủng là vấn đề Bộ Y tế đặc biệt quan tâm. Trong triển khai công tác tiêm chủng thời gian qua ở Việt Nam (không chỉ đối với vắc-xin phòng COVID-19 mà còn nhiều vắc-xin khác) Bộ Y tế luôn đặt vấn đề an toàn tiêm chủng lên hàng đầu.

Điểm khác biệt của chương trình tiêm chủng ở nước ta đối với các nước là tiến hành sàng lọc kỹ tất cả các đối tượng tiêm. Nếu đối tượng tiêm không đảm bảo yêu cầu về sức khoẻ thì các điểm tiêm sẽ trì hoãn tiêm.

Các cơ sở tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19 phải bảo đảm tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực; thực hiện khám sàng lọc, tư vấn trước tiêm chủng và tổ chức buổi tiêm chủng an toàn theo hướng dẫn của Bộ Y tế; người đi tiêm vắc-xin phải ở lại điểm tiêm chủng ít nhất 30 phút sau khi tiêm để theo dõi tình hình sức khoẻ; được hướng dẫn theo dõi ở nhà ít nhất 24 giờ tiếp theo và tiếp tục theo dõi đến 3 tuần sau khi tiêm; các bệnh viện luôn sẵn sàng, thường trực công tác cấp cứu đề phòng những trường hợp có phản ứng nặng sau tiêm chủng nhằm bảo đảm an toàn tối đa cho người được tiêm.

Bộ Y tế cũng đã lập Ban Chỉ đạo an toàn tiêm chủng, tập hợp các chuyên gia, giáo sư đầu ngành trên các lĩnh vực để sẵn sàng trợ giúp địa phương trên toàn quốc để đảm bảo an toàn tiêm chủng.

Bài viết khác