Những bệnh dễ tấn công trẻ khi thời tiết nồm ẩm, mưa phùn

Hiện tượng thời tiết nồm ẩm đang diễn ra phổ biến ở khu vực miền Bắc, đặc biệt là Hà Nội. Thời tiết nồm ẩm gây trở ngại cho cuộc sống sinh hoạt hằng ngày, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, nhất là đối với trẻ nhỏ.  

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng Khoa Nhi, BV Bạch Mai, Hà Nội, cho biết, thời tiết ẩm là một trong những nguyên nhân gây ra nhiều bệnh, đặc biệt các bệnh lây qua đường hô hấp như cúm, cảm.

"Thời tiết nồm ẩm không chỉ khiến trẻ nhỏ dễ ốm mà sức khỏe người lớn cũng bị ảnh hưởng đáng kể”, PGS.TS Dũng cho hay.

Những bệnh dễ tấn công trẻ khi thời tiết nồm ẩm, mưa phùn - 1

Thời tiết nồm ẩm không chỉ khiến trẻ nhỏ dễ ốm mà sức khỏe người lớn cũng bị ảnh hưởng đáng kể.

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, để hạn chế mắc bệnh khi trời nồm, cần giữ môi trường sống thoáng đãng, hạn chế ẩm mốc, nếu có điều kiện thì sử dụng máy hút ẩm. Nếu không có máy hút ẩm thì nên đóng kín cửa, không bật quạt. Nhiều gia đình cho rằng mở cửa sẽ thoáng khi trời nồm là hoàn toàn sai lầm. Bởi khi trời nồm, độ ẩm trong không khí tăng cao, nếu mở cửa ra nghĩa là đang tạo điều kiện cho hơi ẩm bay vào nhà, khiến nhà bạn trở nên ẩm ướt.

Ngoài ra, bật chế độ khô của điều hòa là cách chống nồm hiệu quả và đơn giản. Bên cạnh đó, điều hòa còn giúp không khí lưu thông, giảm cảm giác bí bách, khó chịu và đảm bảo sức khỏe cho các thành viên trong gia đình.

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, trong những ngày trời nồm ẩm, các vi khuẩn rất dễ sinh sôi nảy nở và khiến thức ăn của bạn dễ bị ôi thiu. Vì thế nên bảo quản thức ăn trong tủ lạnh nếu chưa sử dụng hết. Ăn uống vệ sinh, đảm bảo đủ chất cũng là cách giữ gìn sức khỏe. Trẻ cần thay quần áo, vệ sinh cơ thể hằng ngày, không mặc quần áo ẩm.

Bên cạnh đó, cha mẹ cần bổ sung dinh dưỡng hợp lý cho con, mặc đủ ấm cho bé, khi ra ngoài thì nên đeo khẩu trang và đội mũ, để tránh trẻ bị nhiễm lạnh, dễ mắc bệnh.

Tiến sĩ Nguyễn Thành Nam, Giám đốc Trung tâm Nhi khoa (Bệnh viện Bạch Mai) lưu ý, do tác động của không khí lạnh ẩm, lại thêm tác nhân nấm mốc ở ngay trong nhà khiến nhóm trẻ này dễ lên cơn hen bùng phát. Bên cạnh đó, trong điều kiện thời tiết nồm ẩm, thực phẩm, thức ăn không bảo quản đúng cách cũng dễ bị ôi thiu. Khi trẻ ăn phải những thực phẩm này sẽ gặp các rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy...

“Trời nồm, trẻ có thể ra nhiều mồ hôi vào ban đêm, khó ngủ hơn, nên sức đề kháng cũng kém hơn và dễ ốm. Vì vậy, các phụ huynh cần để ý để lau mồ hôi cho trẻ kịp thời và mặc đồ thoáng mát. Tránh tình trạng ủ ấm quá, trẻ sẽ ra nhiều mồ hôi và thấm ngược lại vào cơ thể gây viêm phổi”, Tiến sĩ Nguyễn Thành Nam khuyến cáo.

Các chuyên gia y tế cũng lưu ý cha mẹ khi thấy trẻ có triệu chứng hô hấp như: Ho, sổ mũi, sốt, đau họng,... người dân cần đi khám để chẩn đoán chính xác bệnh, không tự ý mua thuốc kháng sinh, thuốc hạ sốt điều trị, không dùng lại đơn thuốc cũ. Những người có bệnh mãn tính cần tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ, duy trì đơn thuốc và biện pháp kiểm soát bệnh tốt bệnh. Nếu có các biểu hiện bất thường, cần liên hệ ngay với bác sĩ để được tư vấn.

Nguồn: https://vietnamdaily.trithuccuocsong.vn/doi-song-24h/nhung-benh-de-tan-cong-tre-khi-thoi-tiet-nom-am-mua-phun-163738.html

Bài viết khác