Lợi ích sức khỏe từ cây lô hội

Rất lâu trước khi các loại kem dưỡng da và thuốc làm đẹp được ưa chuộng, phụ nữ thường thoa gel lô hội (còn gọi nha đam) lên mặt mỗi tối. Kết cấu mát lạnh của gel giúp làm dịu da tức thì. Trong những năm gần đây, massage bằng lô hội đã trở thành một phần trong chế độ làm đẹp. Nữ hoàng Ai Cập Cleopatra và Nefertiti, nhiều người nổi tiếng như Drew Barrymore, Nicky Minaj, Alia Bhatt và Deepika Padukone cũng ưa chuộng sản phẩm chăm sóc da tự nhiên, giá rẻ này.

Theo tiến sĩ Anjali Asok, Đại học Nghiên cứu và Khoa học Ayurvedic Sri Sri, da hấp thụ nha đam nhanh hơn nước tới 4 lần. Gel cũng là chất làm se tự nhiên, giúp se khít lỗ chân lông và cấp ẩm cho làn da.

"Đặc tính khử trùng giúp loại bỏ nhiễm trùng da, chữa lành vết thương và vết bỏng nhẹ, đồng thời làm chậm quá trình lão hóa. Nó giúp loại bỏ vết rám, điều trị cháy nắng và rạn da", Asok nói.

Các ghi chép lịch sử cho thấy Alexander Đại đế, vị vua cổ đại của Macedonia và nhà thám hiểm người Italy Christopher Columbus đều sử dụng gel lô hội để điều trị vết thương cho binh lính.

Dược điển Mỹ đã mô tả các chế phẩm lô hội như một chất bảo vệ da ngay từ năm 1810. Vào những năm 1930, lô hội là phương pháp điều trị bỏng do tia X.

Các nghiên cứu đã phát hiện nha đam có thể giảm thời gian chữa lành vết bỏng nghiêm trọng xuống còn khoảng 9 ngày - nhanh hơn các loại thuốc phương Tây, giúp ngăn ngừa mẩn đỏ, ngứa và nhiễm trùng.

Lá nha đam có ba lớp chính: lớp vỏ xanh bên ngoài, lớp gel bên trong và lớp mủ vàng ở giữa. Phần gel nha đam có hơn 75 chất dinh dưỡng và 200 hợp chất hoạt động, gồm 20 khoáng chất, 18 axit amin và 12 vitamin. Tuy nhiên, gel này chứa một chất nhuận tràng tự nhiên, gọi là aloin, có thể gây hại nếu sử dụng số lượng lớn.

Chất gel từ cây lô hội. Ảnh: SCMP

Chất gel từ cây lô hội. Ảnh: SCMP



















Theo Cleveland Clinic, Mỹ, lô hội rất giàu chất chống oxy hóa, giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh như tiểu đường và tim mạch, đồng thời bảo vệ sức khỏe mắt. Nó cũng chứa canxi và magiê, giúp các vận động viên phục hồi cơ bắp.

"Lô hội được gọi là kumari trong tiếng Phạn, có nghĩa là 'cô gái trẻ'. Ở Ayurveda, nó được sử dụng để giải quyết các vấn đề về mụn trứng cá và kinh nguyệt", tiến sĩ Ruchi Gulati tại Ayurvedic, cho biết.

Theo Gulati, gel lô hội giúp chữa lành mụn nhọt, các vết thương do bỏng, vết phồng rộp và các bệnh dị ứng da.

Uống nước ép lô hội khi bụng đói có thể làm giảm táo bón, giải độc cơ thể. Ngoài chức năng tăng cường tiêu hóa, thức uống giúp giải quyết tình trạng axit và đầy hơi, cải thiện cảm giác thèm ăn, chức năng gan, thận và túi mật. Nước ép lô hội có lợi cho bệnh nhân tiểu đường loại 2 và phụ nữ bị tắt kinh nguyệt.

Nha đam có thể được kết hợp với các loại thảo mộc có tính nóng như cây a ngùy (mủ khô tiết ra từ thân hoặc rễ của các loại cây họ đinh lăng). Ngoài việc thoa trực tiếp, lô hội có thể dùng để tẩy da chết. Công thức là nửa cốc gel lô hội tươi với một cốc đường và hai thìa nước cốt chanh.

Bên cạnh đó, lô hội có thể dưỡng tóc, thúc đẩy sự phát triển của tóc, ngăn ngừa tình trạng ngứa đầu, giảm gàu và dưỡng tóc.

Nguồn: https://vnexpress.net/loi-ich-suc-khoe-tu-cay-lo-hoi-4568773.html

Bài viết khác